Có nên ngưng nhập khẩu xăng dầu ?

Tiêu thụ xăng cả nước giảm 30% trong quý I và lượng tồn kho xăng dầu các nhà máy thuộc PVN lên đến 90%, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) xin tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang xuống thấp.
Có nên ngưng nhập khẩu xăng dầu ? - Ảnh 1.

Xăng dầu đang tồn kho tăng mạnh. (Ảnh: Ngọc Dương).

Giải quyết hàng tồn của PVN?

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định việc PVN đề xuất ngưng nhập xăng dầu thời điểm này là tương đối hợp lí. Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nhu cầu sử dụng dầu thô, xăng tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu trong tháng tới được dự báo còn rất chậm, nên lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tồn đọng nhiều, trong khi công suất các kho tích trữ có hạn.

"Về lí thuyết, không nhập khẩu, không chịu thuế, không có phí vận chuyển cùng nhiều thuế, phí khác thì giá xăng có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, nhà nước cũng không nên để giá giảm quá sâu, vì Covid-19 không phải khủng hoảng bắt nguồn từ nền kinh tế, nên sau khi dịch bệnh qua đi, không quá khó khăn để phục hồi. Nếu không có điều chỉnh giá xăng hợp lí thì rất dễ dẫn đến các tác động tiêu cực như lạm phát sau dịch", TS Lê Xuân Nghĩa.

Bên cạnh đó, giá xăng thế giới đã có tín hiệu nhích dần lên. Ba nước Nga, Ả Rập Xê Út và Mỹ đang bắt đầu thực thi những thỏa thuận giảm sản lượng khai thác nên giá xăng dầu có thể sẽ hồi phục dần. Giai đoạn này ngưng nhập khẩu sẽ không chịu thiệt.

Thực tế, nửa ngày sau cuộc họp trực tuyến giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) kết thúc, đưa ra quyết định giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6 tới, giá dầu WTI đầu giờ chiều qua (10/4) điều chỉnh giảm 1,9 USD dừng mức 23,19 USD/thùng, dầu Brent dừng mức 32,03 USD/thùng. Giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu tích cực sau quyết định giảm sản lượng của OPEC+.

Ông Nghĩa phân tích: “Thời điểm cách đây khoảng 1 tuần, khi giá xăng dầu thế giới giảm tới mức rất thấp, 20 USD/thùng, những bất ổn chính trị giữa Nga và Ả Rập Xê Út còn đang căng thẳng, chưa có dấu hiệu ngưng thì việc tăng nhập, tận dụng dự trữ để chuẩn bị cho tiêu thụ sau dịch là điều nên làm. 

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, giá xăng sẽ dần hồi phục. Chúng ta cũng không cần lo ngại ngành kinh tế hồi phục nhanh có thể đẩy giá xăng tăng vọt nên phải dự trữ. Vì nhìn chung, tổng cầu tiêu thụ của toàn thế giới đang ở mức rất thấp, mức điều chỉnh sản lượng khai thác của các nước cũng nhỏ giọt. 

Do đó, các ngành sản xuất có hồi phục thì cũng sẽ không thể quá nhanh, chưa có khả năng tạo đột biến về giá xăng dầu. Ngưng nhập để giải quyết hàng tồn trong nước giai đoạn này cũng là hợp lí”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng nêu quan điểm tạm ngưng nhập để “cứu” các kho chứa xăng thành phẩm đang gần quá tải của PVN là cần thiết, cũng là “cứu” PVN lúc này.

“Theo tôi được biết, hiện chỉ có hai tổng kho lớn dự trữ dầu lớn của PVN đặt tại Nhà Bè (TP HCM) và Hải Phòng. Kho chứa xăng thành phẩm tại hai nhà máy đã đầy, dầu có nhập về cũng chỉ chứa hai kho này. Nhưng kho nào cũng không phải nồi cơm Thạch Sanh, đều đang quá tải, do nhu cầu đi lại giảm mạnh. Thế nên, cho tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu lúc này là giải pháp giúp PVN bán hết lượng xăng tồn kho”, ông Thịnh nói.

Các đầu mối có quyền nhập chỗ rẻ hơn

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lại không đồng tình với đề xuất của PVN, dù đồng tình rằng thời điểm hiện tại PVN cần được “cứu”, cần được hỗ trợ khi lượng hàng tồn kho quá nhiều mà nhu cầu tiêu khụ quá chậm. Tuy nhiên, không thể yêu cầu 32 doanh nghiệp đầu mối ngưng nhập từ nước ngoài, chỉ sử dụng xăng dầu trong nước để giúp PVN tiêu thụ.

“Hiện nay, rất nhiều đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước chủ yếu nhập từ Hàn Quốc vì giá thành rẻ hơn. Họ không làm gì sai, họ có quyền tự do mua bán, nên không thể bắt họ ngưng nhập để lấy hàng của PVN. 

PVN nếu muốn tiêu thụ hết hàng tồn thì cũng có thể tham gia cạnh tranh, hạ giá thành để các doanh nghiệp khác tự nguyện hỗ trợ, tiêu thụ hàng trong nước”. Ông Long đề xuất và lưu ý thêm: Nếu đề nghị của PVN được thông qua, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ không giảm, vì ngưng nhập để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng tồn kho đã được dự trữ từ giai đoạn trước đến nay, nên vẫn sẽ tiếp tục bán theo giá xăng dầu thế giới.

Quan điểm này cũng được ông Đinh Trọng Thịnh đề cập khi nhấn mạnh ngưng nhập không có nghĩa giá xăng dầu trong nước sắp tới sẽ giảm mạnh theo giá thế giới. Việt Nam đang tự chủ được khoảng 70 - 80% xăng dầu ,nhờ vào hai nhà máy lọc dầu trong nước. Tuy nhiên, khi tính giá bán, thường phải chỉ số bình quân giá dầu trong nước cộng với giá dầu nhập nước ngoài, chia theo tỉ trọng nhất định. 

Hiện giá xăng dầu thế giới đang thấp, nhưng nếu ngưng nhập, giá xăng dầu trong nước sẽ được tính “một cách hợp lí” dựa trên giá dầu đã được nhập và lọc trước đây theo mức giá cũ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh băn khoăn: “Theo tôi biết, mức giá nhập cũ không thấp bằng bây giờ. Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm trong nước sắp tới khó giảm theo giá thế giới, vì tiêu thụ hàng tồn kho”.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng lưu ý, ngành hóa dầu liên quan đến sản xuất các phụ phẩm hóa dầu làm nguyên liệu cho ngành nhựa, sợi polyme... mà Việt Nam đang phôi thai. Một mặt bảo đảm an ninh năng lượng nhưng phải đảm bảo ngành công nghiệp phụ phẩm hóa dầu phát triển. Đó là bài toán hóc búa mà ngành dầu khí nói chung phải tính toán thiệt hơn trong việc nhập, ngưng nhập, tăng nhập, đóng cửa... trong và sau mùa dịch.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.