Cuộc chơi ví điện tử tại Việt Nam giờ mới bắt đầu bùng nổ

Báo cáo của công ty nghiên cứu Cimigo cho thấy Momo, ZaloPay, AirPay, Moca và ViettelPay mới là những cái tên trong "top 5".

Cơ hội cho các ví điện tử

Hình ảnh các ví điện tử hiện nay thường gắn với các chương trình chiết khấu như giảm giá 30%, hoàn tiền 10%, tích thêm điểm thưởng.

Việt Nam vốn là một thị trường màu mỡ với các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt. Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy Việt Nam thuộc nhóm những nước thanh toán bằng tiền mặt nhiều nhất khu vực. Chính vì vậy, dư địa là rất lớn. 

Chính sách cũng dần cởi mở hơn. Tháng 8, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép 9PAY cung cấp dịch vụ ví điện tử. Đây sẽ là tổ chức phi ngân hàng thứ 37 tại Việt Nam có giấy phép hoạt động trung gian thanh toán, và có thể sẽ không phải là doanh nghiệp cuối cùng. 34/37 doanh nghiệp nhận giấy phép có đủ điều kiện làm ví điện tử. 

Cuộc chơi ví điện tử tại Việt Nam giờ mới bắt đầu - Ảnh 1.

Hàng loạt ví điện tử được "quảng cáo" ở một nhà hàng. (Ảnh: TechInAsia).

Theo ước tính của công ty tư vấn YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch thông qua các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỉ USD vào năm 2025 từ mức 9 tỉ USD ở thời điểm hiện tại. 

Báo cáo về tỉ lệ số người dùng điện thoại di động của Google năm 2019 chỉ ra rằng chỉ số này của Việt Nam tăng gấp đôi sau 5 năm, đạt mốc 51 triệu người dùng.

Năm 2019, Việt Nam chứng kiến hai thương vụ gọi vốn lớn của Momo và VNPay, đưa hai startup vào hàng những công ty khởi nghiệp fintech được định giá cao nhất khu vực. 

Ban đầu, những lo ngại xuất hiện khi dòng vốn ngoại đổ vào công ty fintech Việt, dẫn đến đề xuất giới hạn tỉ lệ vốn nước ngoài 49% trong các công ty thanh toán điện tử. Sau đó đã Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ đề xuất. Theo TechInAsia, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất chú ý đến thị trường Việt, với mong muốn mua lại cổ phần từ những công ty mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Một ví dụ điển hình là Ant Financial, một công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba, đã đầu tư một lượng vốn lớn vào ví điện tử eMonkey. Đầu năm nay, Ant Financial ráo riết chuẩn bị cho đợt IPO đầy tham vọng.

Như hầu hết các ứng dụng kết nối,  mối quan tâm lớn của những người kinh doanh ví điện tử là giữ chân khách hàng sau khi đã lôi kéo bằng các chương trình khuyến mại. Ngoài cạnh tranh với nhau, các ví điện tử còn phải chiến đấu với một đối thủ khác: Thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt.

Một thị trường phân mảnh

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, chỉ khoảng 14% dân số, tương đương 13 triệu người sử dụng ví điện tử. Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao những Momo, Payoo, AirPay, Moca và SenPay về thị phần. Tuy nhiên báo cáo của công ty nghiên cứu Cimigo cho thấy Momo, ZaloPay, AirPay, Moca và ViettelPay mới là những cái tên trong "top 5".

Thị trường ví điện tử Việt Nam tương đối phân mảnh, và không có một, hai cái tên nào áp đảo hoàn toàn phần còn lại. Các ví điện tử cũng phải giành giật từng chút thị trường, khác hẳn với cách mà Alipay và WeChat Pay chiếm phần lớn thị trường Trung Quốc khi kết hợp với hệ sinh thái của Alibaba và WeChat.

Riêng trên thị trường gọi xe công nghệ, mỗi hãng lớn đều liên hết với một ví điện tử riêng (Grab là Moca; Be là Momo và SmartPay; FastGo cũng sử dụng ví điện tử trong hệ sinh thái của NextTech).

Ông Varun Mittal, giám đốc công ty tư vấn trong lĩnh vực công nghệ tài chính Ernst & Young, cho rằng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng kĩ thuật số và vẫn thiếu một doanh nghiệp thống trị thị trường như Trung Quốc.

Để nhắn tin, người Việt có thể dùng Zalo nhưng nếu không có Zalo, vẫn có Messenger hay các ứng dụng khác. Thực tế đó khiến ZaloPay không thể nào "một tay che trời" ở thị trường ví điện tử.

Cuộc chơi ví điện tử tại Việt Nam giờ mới bắt đầu - Ảnh 2.

Chịu cạnh tranh quá gắt gao ở khu đô thị, SmartPay hướng tới thị trường đang phát triển với các tiểu thương. (Ảnh: SmartPay).

Tương tự, dù tận dụng tốt sự thành công của Shopee về lượt người dùng, nhưng AirPay cũng chưa thể bứt lên một một cách mạnh mẽ nhất.

Bên cạnh việc "đốt tiền" vào khuyến mại, các công ty kinh doanh ví điện tử cần xây dựng thêm các hệ sinh thái xung quanh, để giữ chân người dùng. Khuyến mại chỉ là một phần trong số chiến lược của các doanh nghiệp này.

Một trong số cách thức dễ thấy nhất là tận dụng tốt dữ liệu người dùng để đẩy mạnh các hoạt động cho vay hoặc cung cấp các dịch vụ đầu tư vi mô.

Một trong những hướng đi khác là lựa chọn thị trường ngách. SmartPay, một ví điện tử ra đời khá muộn tại Việt Nam, đã lựa chọn cách thức ấy. SmartPay tập trung vào các hàng quán nhỏ ở các khu vực ít dân cư hơn. Thống kê của công ty chỉ ra rằng 8/10 thị trường phát triển nhất của SmartPay đến từ các tỉnh thành đang phát triển.

Đương nhiên, những người làm ví điện tử cũng không thể chịu lỗ mãi. Một lúc nào đó, doanh nghiệp sở hữu ví muốn vượt qua điểm hòa vốn để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, với tình hình phân mảnh quá sâu như ở hiện tại, thời điểm đó vẫn còn khá xa.

Thị trường thương mại điện tử Việt với 4 cái tên lớn là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đều đang phải "gồng lỗ" trong khi thị trường gọi xe với 3 hãng chính là Grab, Gojek và Be cũng đều chưa thể báo lãi. Do đó, một thị trường với số người chơi đồng đều ở mức cao như ví điện tử, có lẽ sẽ chưa thể tim ra người chiến thắng trong tương lai gần nếu đột biến không xảy ra.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.