Cuộc đua giành 16 tỉ USD trong thị trường thịt giả ở châu Á

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, từ đầu năm, nhiều cơ sở thực phẩm đã bắt đầu khai thác nhu cầu ăn thịt giả ở châu Á, nơi qui mô thị trường thịt chay đạt mức gần 16 tỉ USD.

Nikkei đưa tin thịt giả (hay thịt chay) bắt đầu trở thành mặt hàng thu hút sự chú ý của người Mỹ trong năm 2019. Đó là năm mà bánh kẹp thịt chay mpossible Whoppers của công ty Impossible Foods xuất hiện trong các nhà hàng của Burger King, và Beyond Meat - đối thủ nặng kí nhất của Impossible Foods, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nasdaq.

Năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất thịt giả nhanh chóng hướng tới một thị trường mới: Châu Á. Dù không cuồng nhiệt như bên Mỹ, các chuỗi nhà hàng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở châu Á đã vạch chiến lược để khai thác thị trường thịt thực vật mà Euromonitor International dự báo sẽ đạt 15,8 tỉ USD trong năm 2020.

Các nhà hàng, doanh nghiệp tin vào vận may với thị trường thịt giả châu Á bởi vài lí do: Người tiêu dùng đang ngày càng chú ý hơn tới sức khỏe và tình trạng ấm lên toàn cầu do khí thải từ các nông trại gia súc và ngành chế biến thịt, sự bùng nổ bệnh dịch tả châu Phi ở lợn.

Ở Nhật Bản, từ tháng Hai, công ty sản xuất thịt Itoham Foods đã tung ra loại bít tết và gà rán mà họ sản xuất từ đậu nành. Đối tượng khách hàng của họ là những người không ăn chay nhưng muốn tìm sản phẩm thay thế thịt.

Cuộc đua để giành cơ hội trị giá gần 16 tỉ USD với thịt giả ở châu Á - Ảnh 1.

Bánh kẹp thịt thực vật của Beyond Meat đã xuất hiện trong nhiều nhà hàng ở châu Á trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Fuji Oil, một công ty sản xuất dầu ăn ở Nhật Bản, đã mở một nhà hàng chỉ phục vụ món chay ở thành phố Osaka hồi tháng 9/2018. Họ dùng đậu nành để sản xuất thịt chay.

"Món ăn của chúng tôi thu hút du khách châu Á tới Osaka, bao gồm cả những người theo đạo Phật không thể ăn món phương Tây", một người phát ngôn của Fuji Oil nói.

Hồi tháng 3, Impossible Foods tăng cường nỗ lực mở rộng ở châu Á với quyết định điều động Nick Halla, một phó chủ tịch của họ, tới Hong Kong. Nick nói trong một cuộc phỏng vấn rằng châu Á tiêu thụ 44% tổng lượng thịt của thế giới (317,5 tỉ kg mỗi năm) và mức tiêu thụ sẽ tăng thêm 70% vào năm 2050.

"Nếu bạn muốn có một tác động nào đó, nó phải xảy ra ở châu Á. Doanh số của Impossible Food đã tăng gấp 6 lần trong năm 2019 sau khi chúng tôi tiến vào thị trường Singapore và mở rộng phân phối qua các nhà hàng ở Hong Kong", Nick phát biểu.

Ngày 16/3, Impossible Foods thông báo họ đã huy động thành công 500 triệu USD trong vòng gọi vốn Series F. Hàng loạt quĩ đầu tư châu Á - bao gồm Mirae Assets (Hàn Quốc), Horizon Ventures, Khosla Ventures, Temasek (Singapore) đã rót vốn.

Nick cảm thấy vui vì sự tham gia của các quĩ đầu tư châu Á vì họ sẽ giúp công ty hiểu thêm về thị trường và các mạng lưới quan hệ ở châu Á.

"Hong Kong và Singapore là những nơi lí tưởng nhất để chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường châu Á", ông bình luận. Nick nói thêm rằng, với khoản vốn mới, công ty đã có đủ số tiền cần thiết để mở rộng thị trường ở châu Á.

Đến thời điểm hiện tại, Impossible Foods đã huy động 1,3 tỉ USD. Tỉ phú Lý Gia Thành là một trong những người góp vốn sớm nhất thông qua quĩ đầu tư của ông là Horizon Ventures.

Để đáp ứng nhu cầu mua thịt chay ở châu Á, Impossible Foods sẽ tung ra thị trường thịt lợn chay và xúc xích chay, theo Nick.

Năm ngoái,  Impossible Foods kí thỏa thuận hợp tác với tập đoàn chế biến thịt OSI (Mỹ) để giảm chi phí và mở rộng qui mô. OSI có nhà máy với diện tích hơn 348.000 m2 ở Trung Quốc. Nhà máy này sẽ giúp Impossible Foods tiết kiệm chi phí sản xuất ở châu Á. Công ty cũng xem xét khả năng lập một nhà máy ở trong hoặc bên ngoài Hong Kong.

"Người dân Hong Kong tiêu thụ hơn 1,3 tỉ kg thịt mỗi năm. Đó là lí do khiến chúng tôi chọn Hong Kong là nơi để bắt đầu nỗ lực xâm nhập châu Á", Nick giải thích.

Beyond Meat, đối thủ lớn nhất của Impossible Food, đang tích cực mở rộng ở Trung Quốc đại lục. Hôm 21/4, Starbucks Trung Quốc thông báo họ sẽ đưa sản phẩm của Beyond Meat vào thực đơn. Tin đó khiến giá cổ phiếu Beyond Meat tăng tới 16% hôm 21/4.

Ethan Brown, giám đốc điều hành Beyond Meat, tuyên bố hồi tháng trước rằng công ty sẽ sản xuất ở châu Á vào cuối năm 2020, bất chấp tác động của dịch viêm phổi cấp Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân giảm tiêu thụ thịt lợn. Trong khi đó, chính phủ Singapore đã lên kế hoạch giảm số lượng thịt lợn nhập khẩu tới 30%, đồng thời tăng qui mô sản xuất thịt thực vật trong nội địa.

Lớn lên trong một trang trại ở bang Minnesota, ông Nick Halla nhận định sự lo ngại của các chính phủ về sự khan hiếm của đất trồng trọt và dân số tăng, cùng với những nguy cơ về sức khỏe của hoạt động sản xuất thịt, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất thịt thực vật.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.