Theo Reuters, Đức là nhà cung cấp thịt lớn thứ ba của Trung Quốc, chiếm khoảng 14% lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc. Lệnh cấm sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với thịt từ các nhà cung cấp lớn khác như Mỹ và Tây Ban Nha. Giá thịt heo được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy lên cao.
Xuất khẩu thịt heo của Đức sang Trung Quốc trị giá khoảng 1 tỉ Euro (1,2 tỉ USD) hàng năm và khối lượng đã tăng gấp đôi trong 4 tháng đầu năm nay sau khi sản lượng của Trung Quốc giảm khoảng 20%.
Một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp và Lương thực Đức xác nhận lệnh cấm, đồng thời nói thêm rằng Bộ vẫn đang đàm phán với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này.
Hiệp hội nông dân Đức (DBV) kêu gọi chính phủ Đức tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về việc sử dụng lệnh cấm nhập khẩu trong khu vực liên quan đến địa phương đã phát hiện bệnh, thay vì lệnh cấm nhập khẩu toàn quốc.
Doanh số bán thịt heo của Đức sang Trung Quốc liên quan đến khối lượng lớn là tai, chân và đuôi heo. Chủ tịch DBV Joachim Rukwied cho biết, những thứ này hầu như không được ăn ở châu Âu và lệnh cấm khiến cho nông dân Đức khó khăn trong việc bán các sản phẩm này.
Động thái này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp lớn khác như Mỹ, Tây Ban Nha và Brazil.
Daniel de Miguel, Giám đốc quốc tế của cơ quan thương mại Interporc, cho biết: “Ngành chăn nuôi heo trắng của Tây Ban Nha đã sẵn sàng để tiếp tục xu hướng tăng trưởng về doanh số bán các sản phẩm thịt heo an toàn và chất lượng sang thị trường Trung Quốc.
Không giống như các nước châu Âu khác, Tây Ban Nha đã không phải đóng cửa bất kì nhà máy chế biến thịt heo nào do virus corona bùng phát trong những tuần gần đây", ông nói thêm.
Joe Schuele, phát ngôn viên của Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ, cho biết Mỹ cũng có “vị trí tốt” để vận chuyển nhiều thịt heo hơn sang Trung Quốc. Giá heo hơi Mỹ kì hạn tăng vào thứ Năm (10/9) và thứ Sáu (11/9) do dự đoán về lệnh cấm.