Tiến độ 'cuộc đua' lên quận của 5 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm

Những thông tin mới nhất về tình hình chuẩn bị, thời gian dự kiến lên quận của các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì và Đông Anh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng của TP Hà Nội dự kiến thành lập quận. 

Riêng huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm 2021 để năm 2022 trở thành quận. Thực tế, 5 huyện trên đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí cơ bản để lên quận.

Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, mục tiêu lên quận năm 2022

Tiến độ lên quận của 5 huyện Hà Nội - Ảnh 1.

Huyện Hoài Đức đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 đạt các tiêu chí trở thành quận. (Ảnh: Nguyễn Vượng/Hà Nội Mới).

Trong buổi giao ban báo chí ngày 11/8/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết huyện này đã đạt 22 tiêu chí lên quận.

Trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Các tiêu chí huyện này đạt và vượt mức quy định như: Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 10,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, hiện nay huyện không còn hộ nghèo, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 95,3% (yêu cầu là 90%), tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện chiếu sáng…

Một tiêu chí chưa đạt như: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý… 

Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Hoài Đức ước đạt 2.398,6 tỷ đồng, đạt 164% so với dự toán thành phố giao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 62 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu 7 triệu đồng/người/năm…

Bước sang năm 2021, huyện Hoài Đức duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%/năm, phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị như tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phát triển không gian xanh đô thị, tuyến đường văn minh đô thị. 

Ngoài ra, địa phương này tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...

Gia Lâm đạt 25/28 tiêu chí để lên quận

'Cuộc đua' lên quận của 5 huyện Hà Nội: Hoài Đức sẽ 'cán đích' sớm nhất? - Ảnh 2.

Huyện Gia Lâm là vùng cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Từ một huyện khó khăn, Gia Lâm đã có những bước tiến mới về kinh tế - xã hội. (Ảnh: Như Ý/Tiền Phong).

Thông tin tại buổi giao ban báo chí ngày 30/6/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, đang gặp khó khăn.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là tiêu chí về giường bệnh, muốn thành quận thì huyện phải đạt 2,4 giường bệnh/ 1.000 dân trở lên. Huyện Gia Lâm hiện đang đạt 1,93 giường bệnh/ 1.000 dân.

Tuy nhiên theo ông Thuần, tiêu chí này có thể hoàn thành được trong giai đoạn tới khi Bệnh viện quốc tế Vinmec quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đầu tư xây dựng trong khu đô thị Vincity Ocean Park thời gian tới, đồng thời huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.

Tiêu chí thứ 2 là tự cân đối được ngân sách. Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đang xin cơ chế của thành phố theo hình thức để cho huyện được thu thuế của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nếu được cơ chế này thì huyện có thể tự cân đối được ngân sách.

Tiêu chí thứ 3, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cũng là tiêu chí mà huyện đang gặp khó nhất, đó là tỷ lệ đường giao thông trên 10 km2. Hiện huyện đang thiếu gần 100 km đường giao thông cấp huyện (đường liên xã trở lên), để hoàn thành thì nhanh nhất cũng phải vài ba năm tới.

Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt trên cơ sở quy hoạch của huyện xây dựng thêm 42 con đường từ nay đến 2025.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã triển khai 306 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Về hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp 190,5 km đường liên thôn, đường giao thông trục chính, trục thôn. Cùng với việc đầu tư 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, huyện Gia Lâm hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. 

Riêng trong năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt hơn 4.664 tỷ đồng, đạt 157,1% so với dự toán Thành phố giao. Nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu tiền thuê đất (đạt 2.126,7%), thu lệ phí trước bạ nhà đất (đạt 178,7%),...

Thanh Trì còn 3 tiêu chí chưa đạt để lên quận năm 2023

'Cuộc đua' lên quận của 5 huyện Hà Nội: Hoài Đức sẽ 'cán đích' sớm nhất? - Ảnh 3.

Huyện Thanh Trì đặt mục tiêu lên quận năm 2023, chậm nhất là năm 2024. (Ảnh: Hữu Trường/Nhân Dân).

Thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/7/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, huyện này đặt mục tiêu lên quận năm 2023, chậm nhất là năm 2024.

Địa phương còn thiếu 3 chỉ tiêu, đó là chỉ tiêu về cân đối thu chi ngân sách, mật độ giao thông, cây xanh công cộng (quy định mật độ cây xanh 6m2/người thì hiện nay huyện đạt 3,5m2/người).

Năm vừa qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.746 tỷ 961 triệu đồng, đạt 120,9% dự toán thành phố giao và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi ngân sách huyện ước thực hiện năm 2020 là 2.161 tỷ 879 triệu đồng, đạt 92,3% dự toán.

Năm 2021, UBND huyện Thanh Trì đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 1.727 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước đạt 1.735 tỷ 961 triệu đồng; tăng thêm 1 xã nông thôn mới nâng cao; tăng thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ dân được cấp nước sạch,...

Đông Anh còn 8 tiêu chí chưa đạt, phấn đấu 2023 lên quận

'Cuộc đua' lên quận của 5 huyện Hà Nội: Hoài Đức sẽ 'cán đích' sớm nhất? - Ảnh 4.

Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hùng/Kinh tế & Đô thị).

Đối với 27 tiêu chí xây dựng huyện lên quận, Đông Anh hiện còn 8 tiêu chí chưa đạt, đa phần là do vướng về cơ chế như chỉ tiêu cân đối ngân sách, xử lí nước thải,...

5 tiêu chí gồm: Tiêu chí cân đối thu chi ngân sách; tiêu chí chỉ tiêu về đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng; tiêu chí đất cây xanh công cộng; tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị và tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, huyện Đông Anh để tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Mục tiêu đến năm 2023, huyện Đông Anh sẽ hoàn thiện các tiêu chí lên quận.

Tại huyện Đông Anh, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt, trong đó 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác nhận là vùng đô thị trung tâm mở rộng. Trong 81 khu dân cư hiện hữu, có 72 đồ án đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 4 đồ án đang nghiên cứu đề xuất. Đối với đầu tư hạ tầng, huyện đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ và hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung, gồm 14 tuyến liên khu vực và 4 trục chính đô thị…

Thời gian tới, địa phương triển khai thực hiện 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi TP giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra kiến nghị TP điều chỉnh quy hoạch chung, đưa khoảng 2.000 ha thuộc địa bàn các xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú thành khu vực phát triển đô thị và lập quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực này; sớm phê duyệt quy hoạch phân khu Sông Hồng và Sông Đuống.

Bên cạnh đó, Đông Anh kiến nghị TP cho phép huyện triển khai đồng thời 3 dự án cùng với quá trình hoàn thiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thôn Lại Đà, xã Đông Hội, gồm Dự án Xây dựng trường mầm non Đông Hội; Dự án Xây dựng tuyến đường xung quanh thôn Lại Đà theo quy hoạch và Dự án Xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn Lại Đà.

Đan Phượng cần chiến lược lên quận năm 2025

'Cuộc đua' lên quận của 5 huyện Hà Nội: Hoài Đức sẽ 'cán đích' sớm nhất? - Ảnh 5.

4 phân khu đô thị S1, S2, GS, Sông Hồng trong tương lai sẽ là tâm điểm mới của huyện Đan Phượng Hà Nội. (Ảnh minh họa: Vinhomes).

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng ngày 5/5/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định cần tầm nhìn, giải pháp để Đan Phượng lên quận vào 2025.

Theo Kinh tế & Đô thị, hiện nay, tại huyện Đan Phượng, nhiều đồ án có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 do TP phê duyệt đã, đang triển khai xây dựng. 

Đơn cử như khu chức năng đô thị Green City quy mô 130 ha đang được triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng quy mô 45ha đang chuẩn bị thi công các hạng mục; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã giải phóng mặt bằng diện tích 35 ha/42 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng xã hội, 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13 - 22 m.

Trong quá trình tập trung triển khai đầu tư, xây dựng lên quận đến năm 2025, huyện Đan Phượng cần giải quyết vướng mắc lớn nhất là hạ tầng khung và khai thác các quỹ đất phía Đông Vành đai 4. 

Đồng thời, quỹ đất phía Tây Vành đai 4 chưa đáp ứng các tiêu chí lên phường. Thành phố cũng đang đề xuất xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài. Đối với các tuyến đường khung kết nối khu vực, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng.

Để khai thác hiểu quả quỹ đất phân khu đô thị S1, GS khu vực phía Đông Vành đai 4, thành phố kêu gọi đầu tư thực hiện xã hội hoá công tác lập quy hoạch chi tiết theo định hướng phát triển đô thị.

Giai đoạn 2015 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.540 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 13%. Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người/năm, gấp 2,1 lần năm 2015. Đến hết năm 2019, huyện có 9 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.