Đại diện đoàn tiếp viên đường sắt cho biết đã có các lớp nghiệp vụ tiếp viên, trưởng tàu để xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra trên tàu.(Ảnh: TUYẾT KIỀU).
18h chiều 21/6: 2 cháu N.T.H.H. và T.T.T.N., cùng 15 tuổi, quê ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đi làm về đã đến ga Nha Trang, lên tàu SE28 theo lời mời đi làm của một số người trên mạng xã hội.
Trời tối, bà Đỗ Thị Xiêm, mẹ cháu H., không thấy con gái đâu nên đã nhờ người đi tìm khắp nơi. Gọi vào số điện thoại của con gái nhưng không liên lạc được.
19h tối 21/6: Con gái bà Xiêm bất ngờ nhắn tin qua Facebook nói đã lên tàu hỏa ra Huế đi làm quán karaoke, và còn chụp hình ảnh vé tàu.
Gia đình đã yêu cầu phải quay về ngay. Nhưng khi gọi cho con, điện thoại lại không đổ chuông. Sốt ruột, gia đình chị Xiêm đã ra ga Nha Trang nhờ nhà tàu tìm cách giải quyết.
22h35 đêm 21/6: Gia đình bà Xiêm đến ga Nha Trang trình bày, trực ban chạy tàu ga Nha Trang đã gọi cho trưởng tàu khách SE28 Lê Ngọc Khanh để cho gia đình nói rõ mọi chuyện.
22h43 ngày 21/6: Trưởng tàu SE28 Lê Ngọc Khanh nhận được cuộc gọi. Gia đình nhờ tổ tàu giữ cháu H. và một cháu gái tên N. lại, không cho rời đi trước khi người nhà tới đón.
22h47 ngày 21/6: Tổ tàu SE28 kiểm tra phần mềm soát vé và thấy có tên 2 hành khách kể trên đang ở trên tàu tại toa số 5, đi cùng còn có 4 nữ hành khách khác có tuổi đời từ 17-28 tuổi.
Khi được hỏi, 2 cháu trình bày có quen một phụ nữ trên mạng xã hội. Người này nói đưa các cháu ra Huế làm việc ở nhà hàng karaoke. Tổ tàu đã đưa 2 cháu về phòng chỉ huy của đoàn tàu nghỉ ngơi.
23h10 ngày 21/6: Tàu SE28 tới ga Đà Nẵng. Trưởng tàu Lê Ngọc Khanh cùng đơn vị liên quan lập biên bản sự việc và bàn giao những hành khách đi trên tàu cho công an ga Đà Nẵng giải quyết.
10h sáng 22/6: Bà Xiêm đã gặp lại con gái, riêng gia đình N. cũng lên đường ra đón con từ sáng nhưng đến chiều vẫn chưa tới. Chiều 22/6, bà Xiêm cho biết gia đình vẫn đang làm việc tại Công an Q.Thanh Khê, Đà Nẵng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng tàu SE28 Lê Ngọc Khanh cho biết sau khi nhận được thông tin "cầu cứu", tổ tàu cũng không rõ những người dẫn các cháu đi có vi phạm gì hay không nên không thể kiểm tra ngay được. Nếu bị động, nhóm này có thể xuống các ga dọc đường.
Tổ tàu thay phiên nhau túc trực ở ngoài cửa toa, đồng thời gọi điện cho ga Đà Nẵng để đề nghị công an ga chuẩn bị phối hợp xử lý.
Mấy phút sau, cháu H. và cháu N. rời khỏi toa tàu, ra bên ngoài ngồi. Trưởng tàu Khanh đã mời 2 cháu về phòng làm việc, 2 cháu trình bày trùng khớp với thông tin gia đình cung cấp. 2 cháu nói có ý định quay về nhưng người dẫn đi nói phải trả lại tiền vé mới được về, trong khi cả 2 không còn tiền.
Trưởng tàu Khanh cho biết tổ tàu đã đưa 2 cháu vào một toa khác đang trống ngồi nghỉ và dặn dò 2 cháu cứ yên tâm vì lực lượng trên tàu đã biết chuyện. "Tuy nhiên, 2 cháu vẫn sợ nên tổ tàu đã đưa về phòng chỉ huy đoàn tàu nằm nghỉ. Trong khi đó, các nhân viên vẫn âm thầm theo dõi toa có 4 nữ hành khách còn lại.
Theo trưởng tàu Khanh, số điện thoại trưởng tàu, tiếp viên hay điện thoại nội bộ trong ngành luôn luôn phải "nóng" để xử lý nhanh các tình huống an toàn cũng như an ninh trật tự trên tàu. Khi tiếp nhận thông tin phản ánh, các nhân viên trên tàu phải lập tức kiểm tra để xác minh thông tin, nếu nghiêm trọng phải gọi điện cho nhà ga, công an phối hợp xử lý.
Thời gian qua, hàng loạt các sự cố như móc túi, mất tích, bà bầu đẻ rơi... trên xe buýt, tại các bến xe đều được nhân viên tại đó hỗ trợ xử lý kịp thời. Nhiều đơn vị như bến xe, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM... cho biết đã có sự chuẩn bị, đào tạo nhân viên sẵn sàng ứng phó với các sự cố bất ngờ mà hành khách gặp phải.
Theo đại diện Bến xe Miền Đông, hành khách liên hệ ngay các đường dây nóng 02838984441, 02838984442 hoặc báo trực tiếp cho trực ban bảo vệ tại bến xe khi gặp sự cố.
Ban điều hành bến xe đang trực sẽ phân công cho phòng bảo vệ bến xe xác minh sự việc thông qua hệ thống camera, thông báo qua loa phát thanh các thông tin cần thiết, điều động các bộ phận liên quan lập tức có mặt để xử lý sự việc. Riêng đối với các trường hợp có liên quan đến an ninh, trật tự thì báo ngay cho Công an P.26 (Q.Bình Thạnh, TP HCM) kịp thời có mặt giải quyết.
Trong khi đó, ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM - cũng cho biết đơn vị này vừa công bố số điện thoại đường dây nóng phản ánh các vấn đề an ninh trật tự như trộm cắp, sàm sỡ trên xe buýt để phục vụ người dân qua số 0981860202.
Phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM trực tiếp tiếp nhận toàn bộ phản ánh về tình hình an ninh trật tự trên tất cả các tuyến xe buýt tại TP.HCM.
Đại diện Hãng taxi Mai Linh thì cho biết công ty cũng đã có những buổi đào tạo kỹ năng cơ bản cho nhân viên như sơ cứu, cứu nạn... để áp dụng khi cần thiết.
Hiện hãng đang tiến hành làm cẩm nang ghi lại những hành vi đẹp khi tham gia giao thông, hướng dẫn xử lý tình huống bất ngờ trên xe.
Đặc biệt, cẩm nang này ghi lại những câu chuyện tài xế hỗ trợ hành khách để động viên các tài xế luôn hành động đẹp, hỗ trợ hành khách hết mình.
THU DUNG
Ngày 22/6, ông Nguyễn Nhân - trưởng ga Đà Nẵng - cho biết sau khi tàu SE28 đến ga Đà Nẵng, tổ tàu đã tiến hành bàn giao 6 nữ hành khách, phía ga Đà Nẵng cũng đã chuyển giao vụ việc cho công an thụ lý theo thẩm quyền. Trong khi đó, thượng tá Trần Văn Tám - trưởng Công an quận Thanh Khê - chỉ trả lời ngắn gọn là hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xác minh, chưa thể trả lời được.
Đ.CƯỜNG - T.LỰC
Đọc bản tin về câu chuyện trên tàu SE28 trên Tuổi Trẻ Online chiều qua 22-6 và nhiều bình luận khen ngợi tinh thần trách nhiệm cũng như sự nhanh trí trong việc xử lý tình huống của tổ tàu SE28, tôi nghĩ đây là việc làm đáng khen và cần nhân rộng
Theo tôi, điều làm người dân đồng tình và hoan nghênh chính là cách mà tổ tàu SE28 làm như trong bài báo viết: "Ngay lập tức, tổ tàu SE28 kiểm tra, đưa 2 cháu cách ly, và báo công an giải quyết".
Cách xử lý tình huống nhanh trí, gọn gàng và đầy tinh thần trách nhiệm của tổ tàu là điều mà người dân luôn mong mỏi bấy lâu nay. Vì trước đó, trên báo chí đã có rất nhiều câu chuyện người dân phản ảnh nhưng không được xử lý "ngay lập tức". Thậm chí, nhiều vấn đề phải chờ "xin ý kiến" hay "văn bản hướng dẫn" để "đúng quy trình, chỉ đạo", và cuối cùng người dân phải chịu nhiều hậu quả đáng tiếc.
Gần đây nhất là chuyện buồn ở Quảng Nam, khi 3 cha con bị truy sát; ở Hà Tĩnh, người dân vây ném đá chết 1.200 con gà vì gây ô nhiễm môi trường. Cả hai câu chuyện này đều có một điểm chung: người dân đã nhiều lần có ý kiến nhưng không được giải quyết rốt ráo, dẫn đến việc họ tự xử lý bằng sự bức xúc.
Với tàu SE28, nếu tổ tàu còn phân vân hoặc "chờ ý kiến chỉ đạo", có lẽ hậu quả không hay có thể xảy ra. Điều đáng biểu dương của những nhân viên tàu SE28 chính là luôn trong tâm thế tinh thần trách nhiệm cao, xử lý việc "ngay lập tức" và ý thức được nhiệm vụ của mình không dừng ở công việc hằng ngày. Việc làm dường như đang thiếu ở nhiều người, nhiều cơ quan. Nên trên báo chí thường xuất hiện những bài viết mà người dân là người phát hiện, phản hồi, có ý kiến (nhiều lần), còn chính quyền thì trả lời "chưa nắm rõ", hoặc do "địa bàn rộng", cùng những lý do này khác.
Người dân rất mong mỏi người có trách nhiệm luôn làm "ngay lập tức" như tổ tàu SE28 khi họ có ý kiến. Người dân cũng tha thiết mong những người làm nhiệm vụ phải chủ động, không dừng ở việc làm tròn nhiệm vụ. Bất cứ khi nào người dân cần sẽ có người có chức trách lắng nghe và hỗ trợ.
Để làm được điều đó, bắt đầu từ việc bỏ suy nghĩ và cách làm chần chừ, sợ trách nhiệm vẫn thường thấy đó đây. Phải bắt đầu từ những đường dây nóng được kết nối nhanh, phản hồi ngay lập tức.
KHÁNH HƯNG