Với nhiều người, Triều Tiên có thể không nằm trong danh sách những địa điểm “phải đến”, nhưng với chàng trai Australia Alek Sigley, việc dành hai năm để thuyết phục một trường đại học ở Bình Nhưỡng tiếp nhận anh lại hoàn toàn đáng giá.
Alek Sigley bắt đầu theo đuổi ngành thạc sĩ văn học tại Đại học Kim Nhật Thành từ tháng 4 năm ngoái. Ngôi trường này chỉ có ba sinh viên phương Tây và anh là một trong số đó, theo Sky News.
Alek Sigley và vợ trong lễ cưới ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5 năm ngoái. (Ảnh: Sky News) |
Chàng trai 29 tuổi, đến từ Perth, Tây Australia, hòa nhập nhanh chóng vào cuộc sống ở Triều Tiên. Anh thậm chí đã tổ chức lễ cưới ở Bình Nhưỡng.
Sigley từng có hai năm rưỡi học ngôn ngữ và văn học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, anh lại nảy sinh hứng thú với văn học và các bộ phim của Triều Tiên, vì vậy Sigley tự hỏi liệu mình có thể học thạc sĩ tại Đại học Kim Nhật Thành không.
Quá trình xin nhập học vô cùng gian nan. “Mất khoảng hai năm thuyết phục và email qua lại. Họ phải tin tưởng bạn và hiểu về bạn. Công ty du lịch cũng giúp đỡ, và tôi đã tới Triều Tiên không dưới 10 lần”, Sigley kể.
Sigley cho hay ở Triều Tiên, anh nhìn thấy hầu như ai cũng có điện thoại di động và người nước ngoài sử dụng một mạng tách biệt với dân địa phương. Họ chỉ có thể gọi cho những người nước ngoài khác hoặc gọi đi quốc tế.
Người nước ngoài được phép kết nối mạng Internet và tiếp cận một số trang bị khóa nhờ sử dụng VPN. Nhưng người địa phương đa phần lại không thể sử dụng Internet. Họ có một loại Intranet với vài trang web được chính phủ lựa chọn. Bạn cùng phòng ký túc xá của Sigley mỗi sáng đều mở dữ liệu di động để tải báo Rodong Sinmun, một tờ báo nhà nước, về máy điện thoại để đọc.
Những năm gần đây, đã có vài sự việc nghiêm trọng xảy ra với các sinh viên nước ngoài tại Triều Tiên, trong đó có vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị bắt, phạt tù, vì lấy trộm một tấm băng-rôn tuyên truyền. Nhưng Sigley cho biết anh không lo lắng về việc chính phủ Triều Tiên giám sát mình bởi anh rất cẩn thận với từng bài viết đăng trên mạng và luôn cố gắng tránh xa mọi rắc rối. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa”, anh chia sẻ.
Với tư cách một sinh viên, Sigley được tự do hơn những người nước ngoài khác. Anh có thể sử dụng hệ thống tàu điện ngầm và xe taxi. Những người nước ngoài khác sống ở Triều Tiên muốn dùng hai loại phương tiện này phải có người Triều Tiên tháp tùng.
Hoạt động của du khách ở Triều Tiên bị hạn chế trong chương trình tour và họ không thể tới thăm các cửa hiệu, nhà hàng, nhưng người nước ngoài sống tại đây thì có. Tuy nhiên, họ không được phép thăm nhà của người dân Triều Tiên và điều này khiến việc “làm bạn với mọi người trở nên khá khó khăn”, Sigley nhận xét.
Kể về việc học ở trường, Sigley cho biết anh là sinh viên phương Tây đầu tiên của các giáo viên giảng dạy tại Đại học Kim Nhật Thành.
“Các giáo viên bị tôi cuốn hút”, Sigley nói. “Họ luôn hỏi tôi những câu hỏi về Australia và Nhật Bản bởi tôi từng tới Nhật Bản và vợ tôi sống ở Nhật”. “Thầy cô giáo rất tốt bụng và thân thiện. Tôi yêu thích việc tới lớp và nó thực sự vô cùng thú vị”, anh cho hay.
Sigley tổ chức đám cưới với vợ, Yuka, ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5 năm ngoái trước sự chứng kiến của cha mẹ anh và khoảng 20 người bạn. Anh đã đưa họ tới Triều Tiên thông qua công ty du lịch Tongil Tours bởi người nước ngoài không thể đến Triều Tiên mà không đăng ký tham gia tour.
Với luận văn tốt nghiệp của mình, Sigley đang nghiên cứu về tiểu thuyết lãng mạn Triều Tiên. Theo anh, chúng truyền đi những thông điệp mang tính tập thể rất mạnh.
“Chúng khá khác lạ bởi tình yêu giữa nam và nữ thường được gắn với một nghĩa vụ lớn hơn, chẳng hạn như phụng sự đất nước hay hy sinh mạng sống cho đảng, cho tập thể”, Sigley nói. “Đây là một chủ đề mạnh mẽ, trước khi nghĩ về bản thân với tư cách cá nhân, bạn phải nghĩ về tập thể, về người dân”.
“Các nhân vật, khi họ gặp nhau, đó là lúc họ nhìn thấy người kia là một tấm gương có tinh thần vị tha và cống hiến hết mình để giúp đỡ cộng đồng, nhân dân, để rồi sau đó họ nảy sinh tình cảm với nhau”, Sigley cho biết.
“Chúng giống như một câu chuyện ngụ ngôn với rất nhiều bài học đạo đức, dạy người ta cách cư xử”, anh kể. “Và cũng có rất nhiều tiểu thuyết về chiến tranh nữa”.
Học sinh Trường Mẫu giáo Việt - Triều Hữu Nghị được dạy những gì?
Trường Mẫu giáo Việt - Triều được thành lập cách đây hơn 40 năm nhờ sự viện trợ của Triều Tiên, trong đó có hai ... |
Văn hóa Triều Tiên thay đổi như thế nào dưới thời ông Kim Jong Un?
Cho đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên vẫn là một quốc gia khép kín, đóng cửa với xung quanh. Thế nhưng kể từ khi ... |
Cuộc sống của thế hệ trẻ ở Triều Tiên
Học đàn, học múa, chơi đùa cùng cha mẹ, háo hức thể hiện năng lực tiếng Anh, khiến trẻ em Triều Tiên cũng giống trẻ ... |