Yên tâm với nơi ở mới
Mấy tháng qua, dù phải cùng gia đình thuê trọ nhưng ông Nguyễn Quang Cần (thương binh chống Mỹ hạng 4/4) ở thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên) vẫn phấn khởi.
Ông Cần chia sẻ, gia đình ông và con trai có 250 m2 đất ở tại thôn Nam Ngạn nằm trong dự án xây dựng cầu Như Nguyệt 2 nên nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho công trình. Tháng 11/2021, gia đình ông và 9 hộ khác trong thôn được chính quyền địa phương thông báo phải di dời nhà ở và nhận đền bù đất tại KDC mới Đồng Vân (Quang Châu), diện tích tương đương với số đất bị thu hồi.
KDC mới Đồng Vân nằm cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và các khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Vân Trung nên giá đất liên tục tăng. Vì thế, sau khi nhận đất, ông Cần bán lại cho người khác. Số tiền chênh lệch ông mua 1 lô đất gần trụ sở UBND xã Quang Châu để làm nhà.
Đưa chúng tôi thăm ngôi nhà 3 tầng khang trang đang hoàn thiện, ông Cần vui vẻ nói: “Việc chuyển đổi đất ở và làm lại nhà rất vất vả nhưng được chính quyền địa phương quan tâm, đền bù xứng đáng nên gia đình chúng tôi đồng thuận”. Sau khi nhận đền bù, hiện gia đình con trai ông là anh Nguyễn Quang Huy cũng đang xây dựng nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, diện tích 145 m2 phục vụ công nhân quanh vùng.
Ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu cho biết, trên địa bàn xã đang thực hiện 5 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án KDC và dự án xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt. Dự án xây dựng cầu cần thu hồi hơn 6,5 nghìn m2 đất, ảnh hưởng đến 16 tổ chức, cá nhân ở thôn Nam Ngạn. Trong đó, 13 hộ liên quan đất ở, diện tích hơn 1,5 nghìn m2 (10 hộ phải di dời đến nơi ở mới). Việc các hộ đồng thuận nhận đất đền bù sang nơi ở mới giúp công trình khởi công sớm 2 tháng.
Cùng với các hộ dân thôn Nam Ngạn phải di dời đến nơi ở mới, hiện hộ ông Nguyễn Xuân Toản ở thôn Sông Cùng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) cũng đang xây dựng công trình nhà ở 2 tầng trên khu đất mới đền bù. Ông Toản cho biết, gia đình có 1,2 nghìn m2 đất nằm trên cánh đồng, đường hẹp, khó đi. Trong đó có 250 m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn.
Đầu năm nay, ông và 4 hộ khác cùng thôn nhận đền bù sang nơi ở mới (tại KDC Đồng Nô, xã Tân Hưng, cách nơi ở cũ khoảng 2 km) để nhà nước thu hồi đất xây dựng KCN Tân Hưng. Vị trí đất mới thuộc làn 2 đường tỉnh (ĐT) 295, dân cư đông đúc, có đường bê tông rộng 3,5 m, giao thương thuận tiện, có thể phát triển dịch vụ, buôn bán.
Ngoài phần đất được đền bù, gia đình còn được bồi thường gần 2 tỷ đồng/950 m2 đất vườn. “Chúng tôi nhận đền bù 250 m2 đất ở. Nhà có 3 con, đã xây dựng gia đình ổn định nên tôi chỉ xây 1 lô, diện tích 150 m2. Mảnh còn lại tạm để đó, sau này bán hoặc cho thuê, coi như của để dành”, ông Toản nói.
Được biết, do nhận đền bù bồi thường GPMB sớm nên ông Toản và 4 hộ trong thôn được UBND huyện Lạng Giang tuyên dương và hỗ trợ khuyến khích 50 triệu đồng/hộ theo quy định.
Xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư sớm
Các huyện Việt Yên và Lạng Giang nằm trên trục quốc lộ (QL) 1 nên rất thuận lợi để phát triển KT-XH, đặc biệt là công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Hiện Việt Yên đang tập trung quy hoạch trở thành thị xã với nhiều KDC mới, mở rộng KCN Quang Châu, xây dựng KCN Việt Hàn, nhà ở xã hội cho công nhân và nhiều công trình giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, huyện Lạng Giang cũng đang xây dựng nhiều khu, CCN, KDC mới và mở rộng mạng lưới giao thông.
Theo thống kê, các huyện Việt Yên và Lạng Giang đang thực hiện gần 380 dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án xây dựng cầu Như Nguyệt 2, QL 37 nối vành đai 4, QL 37 nối đường tỉnh 292 Lạng Giang, sân golf Việt Yên… (thuộc huyện Việt Yên); dự án KCN Tân Hưng, CCN Hương Sơn, tuyến đường vành đai 5 Thủ đô, tuyến đường từ Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang đi xã Mỹ Hà… (thuộc huyện Lạng Giang). Có tổng số gần 100 hộ phải di dời đến khu định cư mới với hàng chục nghìn m2 đất thổ cư phải thu hồi.
Được biết, hiện Lạng Giang có 4 dự án liên quan đến tái định cư. Để nhân dân đồng thuận, các địa phương đã thực hiện nghiêm theo pháp luật và chính sách về bồi thường GPMB hiện hành.
Do đó huyện xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư trước để người dân thấy được nơi ở mới và so sánh với khu đất thu hồi, bảo đảm các tiêu chí: Hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt… phải tốt hơn khu ở cũ. Nhờ vậy người dân khi đến nơi ở mới đều phấn khởi và yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Ngoài cách làm của Lạng Giang, huyện Việt Yên ưu tiên bố trí vị trí đất đền bù nằm trên địa bàn xã có đất bị thu hồi, nhằm bảo đảm giữ các mối quan hệ làng xóm, láng giềng, phong tục tập quán của các hộ.
Vị trí, diện tích, giá trị kinh tế lô đất đền bù tương đương diện tích đất đã thu hồi. Ưu tiên cho các hộ chọn lô và tổ chức hội nghị bốc thăm.
Ông Lê Văn Thiệp, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường Việt Yên chia sẻ: “Những hộ chưa chấp nhận đền bù và di dời, huyện, xã cử cán bộ xuống tận nhà vận động, đồng thời chi trả tiền đền bù tại nhà nên đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp việc GPMB các dự án diễn ra thuận lợi, đồng thời sớm để người dân ổn định cuộc sống”.
Nhờ những cách làm hiệu quả đó, đến nay, hơn 90% các dự án của huyện Lạng Giang và hơn 60% dự án của huyện Việt Yên đã được GPMB, bảo đảm tiến độ đề ra, góp phần giúp các nhà thầu đẩy nhanh thực hiện các dự án, kịp đưa các công trình vào sử dụng cho mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh.