Đa số các dự án chống ngập của TP HCM đều bị chậm tiến độ

Trưởng Ban Đô thị Trương Trung Kiên chỉ ra nhiều bấp cập khiến các công trình, dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM bị chậm tiến độ tại kì họp lần thứ 15 HĐND khoá IX.

Đa số các dự án đều bị chậm tiến độ

Chiều 12/7, tại kì họp lần thứ 15 HĐND TP HCM khoá IX, Trưởng Ban Đô thị Trương Trung Kiên cho biết thành phố (TP) đã hoàn thành việc giải quyết ngập 22 tuyến đường và đang tiếp tục thực hiện 15 tuyến đường. 

Bên cạnh việc hoàn thành 5 tuyến đường ngập do triều (4 tuyến đang tiếp tục thực hiện), TP còn hoàn thành 151 tuyến hẻm, đang tiếp tục thực hiện 28 tuyến. Ngoài ra, 1.343 tuyến đường hẻm quận huyện kết hợp chỉnh trang cũng được hoàn thành, kết nối với các tuyến thoát nước chính của TP.

66425786_343086883054741_8669952993820409856_n

Toàn cảnh kì họp. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Đối với nhà máy xử lí nước thải, ông Kiên cho biết TP đã hoàn thành một nhà máy, nhà máy thứ 2 dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2020. Bên cạnh đó, chuẩn bị khởi công nhà máy thứ 3 trong năm nay, song khó có thể hoàn thành kịp trong năm 2020.

Các hạng mục chống ngập do triều gồm các dự án do Công ty TNHH Trung Nam đã thực hiện hoàn thành khoảng 75% khối lượng. 6 dự án do Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật đô thị thực hiện gồm: 2 dự án đang thi công và 4 dự án chưa triển khai thực hiện (1 dự án sắp khởi công, 2 dự án chuẩn bị đầu tư, 1 chưa bố trí vốn).

Trưởng Ban Đô thị cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại: Các kế hoạch đề ra chưa dự kiến đầy đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến một số chỉ tiêu, mục tiêu đề ra khó khả thi; chưa làm rõ trình tự ưu tiên, phân kì thực hiện, đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của cả chương trình.

Đa số các dự án đều bị chậm tiến độ, một số hạng mục như: Giải quyết các tuyến ngập do mưa; các tuyến ngập do triều; xây dựng các nhà máy xử lí nước thải... khó đảm bảo theo kế hoạch đề ra (2016-2020). 

Số khác vướng mắc về bố trí vốn, chuyển đổi nguồn vốn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong xác định pháp lí đất đai dẫn đến việc phải điều chỉnh phương án thiết kế (điều chỉnh ranh, quy mô, tuyến) nên thời gian thực hiện kéo dài. Vẫn còn tình trạng một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.

Từ đó, ông Kiên đề xuất TP cần tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung nhằm đảm bảo đồng bộ các cơ sở triển khai dự án; lập kế hoạch thực hiện quy hoạch có trình tự ưu tiên, trọng tâm trọng điểm và đồng bộ đối với các dự án trên toàn TP. 

Ngoài ra, cần ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ cao, công nghệ thông minh vào trong việc dự báo, mô hình hóa, mô phỏng hoạt động và đánh giá hiệu quả các dự án để có quyết định đầu tư phù hợp. Đồng thời, xử lí nghiêm các hành vi lấn chiếm cửa xả, hành lang an toàn sông, kênh rạch.

66362870_331320151112122_7692789883202437120_n

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Cũng trong cuộc họp, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chỉ ra hiện nhiều sông, kênh rạch bị lấn chiếm để xây nhà, làm nhà hàng quán ăn. Còn đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến đánh giá tình trạng ngập của TP hiện nay là do kết nối chưa đồng bộ giữa dự án chống ngập TP với các dự án chống ngập của các quận - huyện, công tác tuyên truyền việc chống nhập đến người dân chưa cao.

Nguồn vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 cần hơn 96.327 tỉ đồng

Ghi nhận các câu hỏi và đóng góp của đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết bài toán chống ngập ở TP rất nan giải vì phải đối mặt với 2 tổ hợp. Tổ hợp thứ nhất đến từ các yếu tố tự nhiên như mưa lớn, triều cường đạt đỉnh, xả lũ, sạt lở. Tổ hợp thứ hai là tổ hợp xã hội, gồm công tác quản lí Nhà nước chưa tốt, nhận thức của người dân chưa cao, doanh nghiệp chưa coi trọng khơi thông dòng chảy, thậm chí chặn dòng.

Ông Hoan đánh giá tình trạng ngập hiện nay vẫn xuất hiện nhưng không dai dẳng, triền miên như những năm trước. Bên cạnh đó, người dân không còn phản ánh gay gắt như trước đây.

Phó chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian tới TP sẽ rà soát lại quy hoạch, xây dựng chuẩn cốt nền; đánh giá khảo sát lại, xác định chức năng của từng sông, kênh rạch; phân cấp ủy quyền cho địa phương quản lí sông, kênh rạch; lập trung tâm dự báo ngập. 

Nguồn vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 theo ông Hoan cần hơn 96.327 tỉ đồng. Hiện, ngân sách đáp ứng hơn 6.356 tỉ đồng (chưa đến 10%), cần huy động thêm các nguồn vốn khác. Theo đó, TP sẽ tính đến phương án xây dựng bờ kè, đường giao thông 2 bên, thanh toán quỹ đất công dọc 2 bờ kênh cho nhà đầu tư để họ giải phóng mặt bằng.

66604773_679628442483327_8624014126701608960_n

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kì họp. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng "chính quyền TP còn lạc quan quá khi đánh giá về công tác chống ngập". "Báo cáo của HĐND phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể khi giải quyết tình trạng ngập của TP HCM. Phải chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai, về cơ quan nào. Đã đến lúc chúng ta không nên né tránh nữa. Nhìn kết quả báo cáo thì rất dễ hài lòng nhưng phải phải nhìn thực tế, xem dân có hài lòng, có giảm sự phiền phức cho dân hay không", bà Tâm nhấn mạnh.

Ngày thứ 3 của kì họp (13/7), HĐND TP sẽ chất vấn một số lãnh đạo sở ngành về các vấn đề cử tri quan tâm.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.