Công ty Nước sạch Sông Đà. (Ảnh: Di Linh).
Tại phiên thảo luận 2 ngày qua của Quốc hội, nhiều đại biểu tiếp tục nêu về vấn đề nước sạch sau vụ nước sạch Sông Đà ô nhiễm dầu thải vừa qua.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho biết, những ngày qua, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2019 trong đó nổi lên là vấn đề môi trường tự nhiên và xã hội.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên, đại biểu Khánh cho biết vấn đề ô nhiễm nước, không khí, chất thải vẫn chưa được xử lí, khắc phục, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh hoạt đời sống người dân.
"Tình hình vi phạm pháp luật, phạm tội về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực như xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gây thiệt hại về tài sản, môi trường sống bức xúc trong nhân dân", đại biểu TP Hà Nội nói.
Đại biểu cũng nêu ví dụ về ô nhiễm nước ở sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy nhiều năm qua chưa được chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lí dứt điểm. Vụ ô nhiễm nước Sông Đà vừa qua đe dọa an ninh nguồn nước hàng triệu người dân Thủ đô.
"Việc xử lí các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe. Số vụ xử lí hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được chỉ bằng 1,58%. Nguyên nhân chủ yếu là do tội danh về lĩnh vực môi trường, khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lí.
Đấy là nhận định của Chính phủ. Tôi cho rằng nhận định trên đây là không thuyết phục, chưa làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lí hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường", đại biểu Khánh nói.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề cập đến khía cạnh vi phạm pháp luật, sự vô cảm và lời xin lỗi.
Cụ thể, đại biểu nêu vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà máy Rạng Đông xảy ra ngày 28/8 nhưng 10 ngày sau đó công ty mới gửi lời xin lỗi đến chính quyền các cấp, lực lượng phòng cháy, chữa cháy, người dân vì đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Trong những ngày xảy ra sự cố, người dân lo ngại về khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe, sau vụ cháy lãnh đạo công ty đã từng lên tiếng trấn an họ đã thay thế thủy ngân bằng vật liệu khác rất an toàn. Kể cả khi cháy cũng không ảnh hưởng đến con người.
Nhưng đến khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc với số liệu cụ thể, rõ ràng, Rạng Đông mới thừa nhận sự cố cháy của nhà máy thực sự có ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, không đừng được công ty đã lên tiếng xin lỗi", đại biểu Dung nói.
Về vụ nguồn nước sạch Sông đà cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân Thủ đô bị nhiễm dầu thải, đại biểu Dung cho biết sau hơn 2 tuần xảy ra sự cố, công ty này mới đưa ra lời xin lỗi mong được lượng thứ.
"Vụ việc này đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia nhận định, Công ty Nước sạch Sông Đà xin lỗi người dân đơn thuần do chịu sức ép của dư luận để xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm và không có ý nghĩa về mặt pháp lí", đại biểu Dung cho hay.
Hàng vạn người dân khốn khổ vì nước sạch Sông Đà. (Ảnh: Di Linh).
Trong vụ việc này, đại biểu Dung cho rằng vấn đề đặt ra là trách nhiệm của công ty với tất cả thiệt hại của người dân mà họ đã phải gánh chịu trong suốt 2 tuần.
Cũng đối với vấn để vi phạm pháp luật và xử lí tội phạm về môi trường, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết số xử lí hình sự chỉ chiếm 1,58% so với số vi phạm được phát hiện.
"Tôi cho rằng việc xử lí vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa đủ sức răn đe.
Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội.
Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy.
Tuy nhiên, việc xử lí các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lí nhà nước", đại biểu Hùng nói.