'Sự cố nước sông Đà và vụ cháy Rạng Đông thức tỉnh chúng ta'

Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, tại tọa đàm “Quản trị thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu thải” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều nay 4.11.
avatar_1572877227562

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (giữa) tại tọa đàm. (Ảnh Đan Hạ)

Chính quyền không thể tránh trách nhiệm

Tại cuộc tọa đàm, nói về quy trình và trách nhiệm thực thi kiểm soát chất lượng và sự an toàn của nước sạch hiện nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận, sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu vừa qua và trước đó vụ cháy nhà máy của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã làm thức tỉnh nhiều người về trách nhiệm của cơ quan chính quyền trước nạn "thủy hỏa đạo tặc".

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc nước sạch sông Đà vừa qua không chỉ liên quan đến câu chuyện an toàn của nước sạch cung cấp cho người dân, ảnh hưởng cuộc sống mà còn là vấn đề tội phạm.

“Câu chuyện lớn hơn là vấn đề kiểm soát an ninh nguồn nước. Chính quyền không bao giờ được thoái thác trách nhiệm, mà phải thông tin kịp thời đến người dân. Dù cá nhân hay tổ chức có thể chịu trách nhiệm về sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thì nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Dù nước là do doanh nghiệp cung cấp nhưng không đạt chất lượng, thì chính quyền vẫn không thể tránh trách nhiệm”, đại biểu Nhưỡng nói.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, cần phải có quy hoạch tốt về sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Khi có quy hoạch tốt rồi thì không được tùy tiện thay đổi quy hoạch.

Bên cạnh đó, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt. Chương trình, kế hoạch đó phải bao gồm tổng thể nhiều vấn đề về an ninh xã hội, nguồn nước đầu vào, sản phẩm nước đầu ra, hệ thống phân phối… chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra nhà máy sản xuất.

Tại tọa đàm, ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng trong vụ việc nước nhiễm dầu thải vừa qua, rõ ràng là doanh nghiệp sản xuất nước có vấn đề trong ứng xử. Tuy nhiên, chúng ta không thể không đặt ra trách nhiệm của chính quyền - vì người dân đóng thuế để nuôi chính quyền và tạo nguồn tài chính để chính quyền cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho họ, cũng như trách nhiệm của các công ty phân phối nước sạch - vì họ đứng ra hợp đồng với khách hàng và đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước.

'Sự cố nước sông Đà và vụ cháy Rạng Đông thức tỉnh chúng ta' - Ảnh 2.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét trách nhiệm chính quyền trong vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải. (Ảnh: Đan Hạ)

Ông Huy cho biết, về các chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng nguồn nước, Nghị định 117 do Chính phủ ban hành liên quan đến sản xuất, tiêu thụ và cung cấp nước sạch hay các nghị định hướng dẫn luật Quản tài nguyên nước chỉ rõ chính quyền địa phương là chủ thể có trách nhiệm trực tiếp.

Theo đó, chính quyền địa phương phải có kế hoạch xây dựng, bảo vệ hành lang nguồn nước, bảo đảm cho nước không bị ô nhiễm. Ban hành các quy chuẩn của địa phương sao cho phù hợp, căn cứ dựa trên cái chung để ban hành các quy chuẩn đặc thù tại địa phương mình. Ngoài ra, cần phải tổ chức giám sát kiểm tra, giao việc cho các đơn vị trực thuộc trong việc xử các sự cố.

“Trong sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, chính quyền địa phương đã vào cuộc song vẫn còn lúng túng, không thực sự kịp thời, sự cố xảy ra xong rồi mới đi giải quyết chứ chưa hề có sự chuẩn bị hay các phương án phòng tránh, đề phòng”, ông Huy nói.

Phải lấy người dân làm trung tâm

Ông Huy nêu quan điểm, việc khuyến khích tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ công, trong đó có nước sạch là đúng. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ công là một loại hàng hóa rất đặc biệt, thiết yếu. Vì thế, nhà nước có thể ủy quyền cho các chủ thể khác để làm tốt hơn. Với tính chất quan trọng của các loại hình dịch vụ công này, nhà nước cần phải có cơ chế kiểm soát hệ thống pháp để bảo đảm chất lượng của hàng hóa sao cho ổn định về giá cả, chất lượng. Rộng hơn, tức là bảo đảm về kinh tế, xã hội và chính trị.

“Để đảm bảo quyền lợi của người dân khi nhà nước xã hội hóa dịch vụ công thì phải lấy người dân làm trung tâm. Từ đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân, lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quy hoạch. Là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công, người dân cần được được tiếp cận một cách đầy đủ, công bằng về mọi mặt như giá cả, chi phí... Chính quyền cũng cần phải công khai minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân trong mọi quá trình để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Huy nói.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho biết về vấn đề cung ứng nước sạch cho người dân, trên thế giới hiện có 3 phương thức: nhà nước độc quyền; nhà nước và tư nhân cùng làm; giao cho tư nhân làm còn nhà nước kiểm soát chất lượng. Việc để tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công là cần thiết nhưng điều cần thiết hơn là phải có quy định luật pháp rõ ràng, nhà nước phải thể hiện được vai trò kiểm soát chất lượng nước. Ở nhiều nước, tư nhân có thể sản xuất nước nhưng khâu phân phối, kiểm soát chất lượng phải là chính quyền.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.