Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi đất dự án, trả lại bãi biển cho ngư dân và cộng đồng

Hàng trăm hộ dân huyện Xuyên Mộc rất vui mừng vì chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lại bãi biển rộng hơn 10ha cho địa phương để làm khu neo đậu, bãi tắm công cộng và dịch vụ phục vụ cộng đồng.
 - Ảnh 1.

Du khách xem mua hải sản ở bãi biển Phước Thuận sáng 4/11. (Ảnh: ĐÔNG HÀ)

Sáng 4/11, tuy là ngày đầu tuần nhưng bãi biển xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có đông du khách đến mua hải sản. Những chiếc thuyền nhỏ, đánh lưới gần bờ tấp nập vào bãi, chuyển cá lên bán cho du khách. Ngư dân vui vẻ gỡ lưới. Người bán hải sản vui vẻ mời chào.

Niềm vui còn bến bãi

Từ mấy ngày qua, cả trăm hộ ngư dân đánh bắt bằng thuyền nhỏ gần bờ và người buôn bán cá ở đây rất vui mừng. Bởi từ mấy năm nay họ có một nỗi lo lớn là mất bến bãi khi tỉnh giải tỏa, dành bãi biển cho dự án du lịch, cho nhà an dưỡng. 

Nhưng nay, nỗi lo đã không còn vì chính quyền tỉnh đã thu hồi đất dự án, trả lại cho huyện. Bãi biển này trở thành nơi tàu cá nhỏ ra vào và dần dần thành nơi buôn bán hải sản ngày càng sầm uất vì hàng hóa tươi.

 - Ảnh 2.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng vui mừng khi biết bãi biển không còn bị thu hồi mà vẫn được làm khu neo đậu tàu cá. (Ảnh: ĐÔNG HÀ)

Anh Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi) theo nghề đánh cá gần bờ từ nhỏ. Biển Phước Thuận là nơi vợ chồng đang mưu sinh, làm ăn nuôi bốn con ăn học. 

Anh cho biết, nếu bãi biển này bị giải tỏa để dành đất cho dự án thì những người như anh không biết đi đâu để neo ghe, lên cá vì xung quanh đây "bãi biển nào cũng đã có chủ, cũng quy hoạch hết". "Nghe tin tỉnh và huyện trả lại bãi biển cho dân, không làm dự án nữa, bà con vui mừng lắm, quá vui", anh nói.

Chị Bùi Thị Lương nói về việc ngư dân lo lắng vì bãi biển bị thu hồi và vui mừng khi biết huyện vẫn duy trì bãi biển cho bà con mưu sinh. (Video: ĐÔNG HÀ)

Khu vực bãi biển Phước Thuận rộng hơn 10 ha, trong đó có 4,5 ha là khu đất của dự án Saigon Time vì chậm triển khai bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi và giao lại cho huyện Xuyên Mộc vào năm 2018. Gần 6 ha còn lại năm 2017 tỉnh này giao cho Tổng cục cảnh sát Bộ Công an làm nhà an dưỡng. Nhưng tháng 8/2019, cơ quan này đã trả lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì "không còn nhu cầu sử dụng".

Chị Bùi Thị Lương - 37 tuổi, làm nghề buôn bán cá ở đây đã 14 năm - cho biết khi chính quyền lấy bãi biển làm dự án, những người dân ở đây đã phản đối, khiếu kiện. Nhưng nay nghe nói, tỉnh, huyện trả lại cho dân thì hàng trăm hộ như chị rất vui mừng.

"Bãi biển này là nơi mưu sinh từ xưa đến giờ. Bị đuổi đi, bà con không biết làm gì nên đã nhiều lần phản đối. Nhưng nay thì quá vui rồi", chị Lương vui vẻ nói. Chị cho biết ở bãi biển này có rất nhiều trường hợp chồng đi đánh cá đem về cho vợ bán nên bị giải tỏa thì cả gia đình không biết làm gì.

 - Ảnh 5.

Một góc bãi biển xã Phước Thuận sáng 4/11. (Ảnh: ĐÔNG HÀ)

Bãi biển trở lại là nơi của cộng đồng

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận - cho biết việc tỉnh thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp, tổ chức để trả lại cho người dân, chính quyền địa phương rất ủng hộ và vui mừng. 

Nhiều năm qua vì việc giao đất để làm dự án đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài. Nay tỉnh thu hồi lại, giao cho huyện để làm nơi neo đậu ghe, buôn bán hải sản, bãi tắm công cộng, các công trình phúc lợi thì người dân càng có điều kiện an sinh làm ăn. 

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn- phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận nói về việc thu hồi và trả lại bãi biển cho ngư dân. (Clip: ĐÔNG HÀ)

Theo ông Tuấn, tổng số các hộ dân làm ăn ở bãi biển này lên khoảng 300-400 hộ. Trước đây khi thực hiện chủ trương di dời dân để giao đất cho doanh nghiệp, tổ chức, huyện đã bố trí bãi lên cá ở xã Bưng Riềng nhưng ở đó ghe nhỏ không vô được trong khi bãi ở Phước Thuận vào dễ dàng. Theo quan sát, bãi biển xã Phước Thuận như một cái vịnh nhỏ, sóng êm.

Sau khi được tỉnh giao bãi biển để quản và sử dụng, huyện Xuyên Mộc đã làm đường cấp phối dẫn xuống biển để bà con vận chuyển hải sản. Bà Lê Thị Trang Đài - chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc - cho biết huyện đã xây dựng phương án sử dụng khu đất với mục đích công cộng, phục vụ dân sinh. 

 - Ảnh 7.

Ngư dân Phước Thuận gỡ lưới sau chuyến biển sáng sớm 4/11. (Ảnh: ĐÔNG HÀ).

Cụ thể, huyện sẽ xây dựng khu neo đậu ghe cho bà con, bố trí bãi tắm công cộng, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe. Đồng thời làm sạch sẽ, khang trang để đảm bảo môi trường khu vực buôn bán hải sản và ăn uống. 

Theo bà Trang Đài, việc trả lại bãi biển xã Phước Thuận cho bà con ngư dân không chỉ giúp họ an sinh mà còn giải quyết được tình trạng khiếu kiện mấy năm qua. 

 "Quan trọng hơn, suốt chiều dài hơn 30km bờ biển của huyện này, chưa có bãi tắm công cộng nào được đầu tư để phục vụ cộng đồng. Chúng tôi sẽ xin chủ trương để đầu tư bãi này trở thành nơi công cộng, phục vụ người dân, để mọi người đều được tiếp cận biển, không gian biển", bà Trang Đài nói.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.