Dân chưa đồng thuận, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng một dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu tạm dừng thực hiện dự án thông tuyến đường Lê Hồng Phong nối dài đến đường Xuân Diệu (ở TP Quy Nhơn) do người dân chưa đồng thuận.
avatar_1572869065988

Khu vực sẽ bị giải phóng mặt bằng nếu triển khai dự án đường Lê Hồng Phong nối dài. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Chiều 4/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ tạm dừng thực hiện dự án thông tuyến đường Lê Hồng Phong nối dài đến đường Xuân Diệu (P.Trần Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định) để tiếp tục lấy ý kiến , khi nào người dân đồng thuận mới tiếp tục triển khai.

Dân chọn không triển khai dự án

Tháng 6.2018, UBND TP Quy Nhơn có thông báo về việc thu hồi đất để phục vụ dự án thông tuyến đường Lê Hồng Phong với đường Xuân Diệu, địa điểm giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài từ hẻm 129 đến hẻm 147 đường Nguyễn Huệ và có 111 hộ dân ở KV.2, P.Trần Phú bị ảnh hưởng. Các hộ dân bị GPMB được bố trí tại định cư tại Dự án đô thị Thương mại Bắc sông Hà Thanh (thuộc P.Đống Đa, TP Quy Nhơn). Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong vùng GPMB không đồng tình với phương án thu hồi đất nên dự án kéo dài, không thực hiện được.

Chiều 4/11, tại UBND P.Trần Phú, ông Hồ Quốc Dũng chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân bị giải phóng mặt bằng nếu triển khai dự án nói trên. Tại buổi đối thoại, ông Hồ Quốc Dũng đưa ra 3 phương án để người dân lựa chọn.

Phương án thứ nhất là đất đổi đất, diện tích bị GPMB (trong hẻm) bao nhiêu sẽ đổi đất tái định cư tại Dự án đô thị Thương mại Bắc sông Hà Thanh (mặt đường 20 m) bấy nhiêu, nhà cũ đền bù nhà mới.

Phương án thứ 2 là thuê đơn vị tư vấn định giá đất bị GPMB theo giá thị trường rồi đền bù cho người dân, các hộ tự giải quyết chỗ ở hoặc nhận đất tái định cư theo giá thị trường.

Phương án thứ 3 là nếu người dân không đồng tình triển khai dự án thì dừng lại, khi nào người dân đồng thuận mới làm trở lại.

Ngay tại buổi đối thoại, người dân đã đồng loạt chọn phương án thứ 3, tạm dừng dự án. Nhiều người đã bỏ về, không tiếp tục tham gia buổi đối thoại.

Dân chưa đồng thuận, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng một dự án - Ảnh 2.

Người dân trình bày ý kiến tại buổi đối thoại. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Một số người dân sống trong vùng GPMB dự án đường Lê Hồng Phong nối dài phản đối việc triển khai dự án vì cho rằng nhà mình nằm ngoài diện tích đất được dùng để làm đường Lê Hồng Phong.

Một số người phản đối vì cho rằng tại khu vực được thu hồi đất, GPMB để triển khai dự án đường Lê Hồng Phong nối dài có quy hoạch khu đất giao cho doanh nghiệp xây dựng khách sạn và có 20 bố trí tái định cư cho các hộ dân từ nơi khác đến ở mà không ưu tiên tái định cư cho người dân tại chỗ là không công bằng.

Nhiều người cũng cho rằng việc tỉnh Bình Định GPMB, đưa người dân đang ở trung tâm thành phố ra khu Dự án đô thị Thương mại Bắc sông Hà Thanh quá xa trung tâm thành phố sẽ làm đảo lộn cuộc sống, việc mưu sinh bị ảnh hưởng, con cái đi học xa…

Dự án chỉ làm lợi cho cộng đồng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn, dự án thông tuyến đường Lê Hồng Phong ra đường Xuân Diệu có quy mô thu hồi đất khoảng 6.660 m2 và được quy hoạch thành: 3.342 m2 đất làm đường Lê Hồng Phong nối dài; cải tạo hẻm, 1.260 m2 đất ở và 2.058 m2 đất dịch vụ du lịch.

Khu vực đất ở được quy hoạch khoảng 20 lô đất tái định cư. Trong đó, 10 lô để bố trí tái định cư cho các hộ mặt tiền đường Xuân Diệu, Nguyễn Huệ (nằm trong lộ giới đường Lê Hồng Phong nối dài) bị GPMB và 10 lô tái định cư còn lại được bố trí cho các hộ dân nằm ở mặt tiền đường Xuân Diệu bị ảnh hưởng bởi các dự án khác, trong đó có dự án mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành.

Ngoài ra, các hẻm 129 và hẻm 147 đường Nguyễn Huệ hiện quá hẹp, không thuận tiện việc đi lại của người dân nên phải GPMB để chỉnh trang đô thị nhằm đảm bảo các yếu tố về môi trường, phòng cháy chữa cháy, kiến trúc đô thị…

Dân chưa đồng thuận, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng một dự án - Ảnh 3.

Người dân đồng loạt chọn tạm dừng dự án. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, trong số các hộ dân bị GPMB của dự án nối dài đường Lê Hồng Phong, có 93 hộ đã đồng ý di dời và đã được thống kê, áp giá đền bù, còn 18 hộ kiên quyết phản đối. Những hộ dân phản đối này không nằm trong khu vực đất làm đường Lê Hồng Phong nối dài, có nguyện vọng không GPMB nhà mình để sau khi làm đường trở thành nhà mặt tiền, hoặc GPMB thì bố trí tái định cư ngay tại chỗ.

“Đòi hỏi như vậy mới là không công bằng vì họ đang ở trong hẻm nhỏ, được bố trí ra mặt tiền đường rộng 20 m ở khu đô thị mới là quá tốt rồi. Nếu các hộ này được bố trí tại định cư tại chỗ thì các hộ mặt tiền đường Xuân Diệu, Lê Hồng Phong bị GPMB sẽ đi đâu? Bố trí các hộ ở mặt tiền này đi đâu cho công bằng đây?”, ông Nam nói.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, các hộ dân trong hẻm thuộc diện GPMB được bố trí tại định cư tại khu vực Bắc Sông Hà Thanh sẽ có đường sá rộng hơn, diện tích nhà cửa sẽ không nhỏ hơn diện tích đang ở… nên sẽ không bị thiệt. Ngoài làm đường, bố trí tái định cư cho các hộ mặt tiền đường Xuân Diệu, Lê Hồng Phong bị GPMB thì đất dự án còn hơn 2.000 m2 sẽ quy hoạch thành đất dịch vụ du lịch (cho xây khách sạn) để bán đấu giá, nhà nước thu lại tiền để tái đầu tư, làm dự án.

“Tất cả đất thu hồi, GPMB để triển khai dự án thông tuyến đường Lê Hồng Phong ra biển đều là làm vì cộng đồng, không có làm lợi cho riêng ai cả. Tất cả đều công khai, không có mờ ám gì”, Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.