Hà Nội công bố nước sạch sông Đà an toàn dựa trên cơ sở nào?

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội khẳng định, kết quả xét nghiệm của ngành y tế và nhà máy đều cho thấy các chỉ số "nằm trong giới hạn cho phép".

Ngày 22/10, TP Hà Nội thông báo chất lượng nước của Nhà máy nước sạch sông Đà đã đạt chuẩn, có thể dùng để ăn uống. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa tin tưởng vào điều này nên tiếp tục mua nước đóng chai, bình để sinh hoạt.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) trả lời VnExpress về kiểm soát an toàn nước sinh hoạt sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải.

Hà Nội dựa vào căn cứ nào để công bố "nước sông Đà đã an toàn để ăn uống"?

- Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các chỉ đạo của thành phố, các biện pháp khắc phục của nhà máy nước sạch sông Đà và cả cam kết của họ. Nhà máy phải cam kết nước cấp đã sạch thì thành phố mới có cơ sở để thông báo với người dân. Khi nhà máy cam kết, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nước bẩn mà bảo nước sạch, không khác gì bán hàng giả.

Hà Nội công bố nước sạch sông Đà an toàn dựa trên cơ sở nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. (Ảnh: Tất Định)

Nhiều người nghĩ rằng, nước an toàn hay không là trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng ngành y tế có sản xuất được nước đâu. Quy định của pháp luật rất rõ, nơi sản xuất và cung cấp nước phải chịu trách nhiệm. 

Hà Nội công bố nước sông Đà đã an toàn, tức là nước đầu nguồn đã sạch. Tuy nhiên, đến cuối nguồn phụ thuộc vào thau rửa. Người dân vẫn cần phải thau rửa bể để nước về đến nhà mình đảm bảo vệ sinh. Trước đây thành phố công bố sự cố do Styren gây ra, đến nay về mặt khoa học, người dân có thể yên tâm sử dụng nước vì mọi thứ cơ bản đã được giải quyết

Chúng tôi căn cứ vào kết quả xét nghiệm hằng ngày, liên tục từ 14/10 đến nay, các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Báo cáo của nhà máy cũng cho thấy họ đã thuê đơn vị xử ô nhiễm dầu thải và khắc phục được sự cố. Còn nói an toàn tuyệt đối thì không thể vì không có cái gì an toàn tuyệt đối cả.

- Vì sao thành phố đưa ra chỉ số Styren để đánh giá nước sông Đà bị ô nhiễm hay không? 

- Khi phát hiện thấy mùi bất thường trong nước, chúng tôi đã khoanh vùng các chất gây ra mùi có thể thuộc nhóm chất nào. Sau quá trình xét nghiệm 4 bốn mẫu nước thành phẩm của nhà máy ở 4 vị trí khác nhau, Trung tâm phát hiện lượng Styren cao hơn mức an toàn 1,3 đến 3,6 lần. Ngoài ra không có gì bất thường nào khác nên chúng tôi chủ động tập trung theo dõi liên tục chỉ số này cho đến khi khẳng định nó đã ở mức an toàn theo Quy chuẩn của Bộ Y tế.

Thực tế cũng cho thấy, khi xử được dầu thải đầu nguồn nước nguyên liệu, lượng Styren trong nước cũng giảm. Từ góc độ y tế, Trung tâm luôn phải thực hiện giám sát 2 chiều. Thứ nhất, xét nghiệm xem Styren trong nguồn nước có cao bất thường không. Thứ hai, khi giải quyết được nguyên nhân ô nhiễm, styrene có giảm không.

- Nhiều chuyên gia cho rằng nước bị ô nhiễm dầu thải sẽ chứa nhiều chất độc hại khác chứ không chỉ Styren. Ông trả lời nghi vấn này như thế nào?

- Việc xét nghiệm nước sinh hoạt phải căn cứ vào quy định của pháp luật, thực hiện theo 109 chỉ tiêu dựa trên Thông tư 41 của Bộ Y tế. Từng chỉ tiêu đã có hướng dẫn cụ thể. Còn có những chất nào khác hay không lại là vấn đề ngoài khả năng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.

Cảnh sát môi trường vẫn đang điều tra nguồn ô nhiễm, ngành y tế không đợi xem chất thải gồm những chất gì. Chúng tôi dựa vào kết quả xét nghiệm, chỉ cần phát hiện một chỉ tiêu không đảm bảo (theo Thông tư 41) thì đánh giá nước không đạt chất lượng..

- Vậy việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố lâu nay thực hiện như thế nào? 

- Việc cung cấp nước sạch liên quan đến hai cơ quan là: Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản nhà nước, còn Sở Y tế chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch. Việc giám sát này, thực chất chỉ là hoạt động chuyên môn. Chúng tôi không quyết định chất lượng nước.

Chúng tôi thực hiện ngoại kiểm định kỳ 6 tháng đến một năm đối với 64 cơ sở cấp nước trên địa bàn; ngoại kiểm đột xuất khi nhận thấy có nguy cơ nước không an toàn.

Về sự cố nước sông Đà, từ ngày 10/10, ngay khi nhận thông tin phản ánh nước có mùi lạ, Trung tâm đã lập đoàn kiểm tra lấy mẫu nước, gửi đi xét nghiệm tại Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) để có kết quả nhanh chóng, khách quan. Tôi cho rằng trong sự cố này, ngành y tế đã vào cuộc kịp thời.

Hiện nay việc kiểm soát chất lượng nước chủ yếu phụ thuộc vào nội kiểm của nhà máy nước. Họ phải tự quyết định, chịu trách nhiệm nước an toàn để cấp hay chưa, chứ không phải chỉ dựa vào kết quả ngoại kiểm của ngành y tế.

- Quy trình xét nghiệm nội kiểm của nhà máy và ngoại kiểm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố có gì khác nhau? 

- Nhà máy xét nghiệm chỉ tiêu A mỗi tuần một lần, chỉ tiêu B 6 tháng một lần, và chỉ tiêu C là 2 năm một lần. Khi gặp sự cố, họ sẽ phải làm toàn bộ cả 3 nhóm chỉ tiêu.

Những nhà máy lớn sẽ tự xây phòng thí nghiệm, nhưng pháp luật không buộc họ phải có cơ sở, trang thiết bị để xét nghiệm đủ 109 chỉ tiêu. Nhà máy có quyền gửi mẫu đến đơn vị nào được phép và đủ điều kiện làm điều này. Khi đó, nhà máy tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc của mẫu nước. Nhưng họ lấy mẫu nước từ đâu, ở bể của họ, hay ở chai nước tinh khiết đóng bình, cũng không ai kiểm soát được.

Khi ngoại kiểm các mẫu nước của nhà máy sông Đà, chúng tôi phải đến tận nơi, quan sát tổng thể, lấy mẫu, đánh số, lập biên bản đóng dấu đỏ (niêm phong), trực tiếp vận chuyển bảo quản, xét nghiệm và trả lời kết quả. Trung tâm chịu trách nhiệm về mẫu nước đó. Ngoại kiểm, do vậy, sẽ chi tiết và khách quan hơn nội kiểm.

- Qua sự cố lần này, theo ông đâu là bài học cần rút ra để đảm bảo an toàn nước sinh hoạt của thành phố?

- Nếu nhà máy sông Đà dừng cấp nước ngay từ đầu, đợi bao giờ an toàn mới cấp sẽ không có vấn đề gì. Giá như họ sớm nạo vét bùn dưới suối, ngay từ lúc phát hiện ra thì tốt.

Từ trước khi xảy ra sự cố nước sông Đà, chúng tôi đã tính đến các sự cố đột xuất có thể xảy ra để lên kịch bản nhanh chóng tham gia giám sát. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đưa ra kịch bản ứng phó khẩn cấp, kể cả tình huống giả định khủng bố sinh học, hóa học.

Chúng ta cần phải có một hệ thống quan trắc, cảnh báo trước các nguy cơ từ đầu nguồn. Nếu để chất ô nhiễm xâm nhập vào nhà máy thì đã muộn rồi. Khi quan trắc cần đưa ra kịch bản, nước nhiễm chất gì thì phải xử ra sao. Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng nên có khuyến cáo, chỉ đạo nhà máy nước phải làm việc đó chứ không phải cơ quan y tế. Gốc rễ là phải quản được nguồn nước và hệ thống quan trắc.

Thành phố đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải chỉ đạo tạo vành đai an toàn, kênh dẫn nước phải có camera và hệ thống quan trắc tự động, phân luồng kiểm soát. Điều này là rất đúng. Khi xảy ra việc gì thì nhà máy nước phải báo cáo kịp thời để thành phố thông tin đầy đủ cho người dân biết.

- Theo ông hệ thống cấp nước sạch của Việt Nam còn điểm hạn chế gì?

- Trên thế giới, hệ thống cấp nước sạch chạy thẳng từ nhà máy đến tận vòi của các hộ gia đình.  Khi nước không đảm bảo, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nhưng ở Việt Nam, có điểm đặc thù là nước sạch từ nhà máy đến các khu chung cư lại chảy vào bể trung gian, do đó bị gián đoạn. Bể trung gian này thường do Ban quản tòa nhà chịu trách nhiệm. Ngay cả khi các bể này đảm bảo an vệ sinh, sự không đồng nhất chất lượng giữa các đường ống cũ, mới cũng là một vấn đề.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.