Đại gia chăn nuôi C.P sẽ sản xuất 1,2 triệu khẩu trang y tế/tháng

Nhà máy khẩu trang của C.P với công suất sản xuất khoảng 1,2 triệu chiếc/tháng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu vừa chính thức đi vào hoạt động.

Sáng ngày 28/7, tại Bình Định, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy khẩu trang y tế CPPC và ra mắt Dự án khẩu trang Nhân Ái với mục tiêu hỗ trợ khẩn cấp 8 triệu chiếc khẩu trang y tế miễn phí cho cộng đồng.

Nhà máy khẩu trang y tế CPPC được đặt tại Công ty TNHH Trang Phục Ngoài Trời CPPC (1 thành viên của C.P Group), thuộc KCN Phú Tài, P. Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn, Bình Định. 

Nhà máy hoạt động với công nghệ sản xuất hiện đại, trong đó tất cả máy móc được nhập khẩu từ Thái Lan, sản xuất theo tiêu chí phòng sạch GMP. Hệ thống quản lí chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 13485:2016.

Khẩu trang y tế được sản xuất tại nhà máy CPPC sử dụng chất liệu vải không dệt 3 lớp, với 2 lớp vải không dệt và 1 lớp vải kháng khuẩn, với nguồn nguyên liệu chính được nhập khẩu từ Thái Lan và từ các nhà cung cấp uy tín trong nước. Dự kiến ban đầu, năng lực sản xuất của nhà máy đạt 1,2 triệu chiếc mỗi tháng.

Chất lượng sản phẩm được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kiểm định và cho kết quả khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn cao, ngang tiêu chuẩn xuất khẩu vào Châu Âu và Bắc Mỹ.

Đại gia chăn nuôi C.P nhảy vào thị trường khẩu trang y tế - Ảnh 1.

Lễ cắt băng khánh thành nhà máy khẩu trang y tế CPPC. Ảnh: C.P

Đồng thời, “Dự án Khẩu trang Nhân ái” ra đời nhằm chung tay cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt khi Việt Nam đang đối mặt với làn sóng thứ 2 với các ca lây nhiễm phức tạp, do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ( thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan) phối hợp cùng Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam, TW Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thông qua Quĩ hỗ trợ từ thiện C.P Việt Nam thực hiện.

Theo đó, C.P Việt Nam sẽ tiến hành trao tặng 8 triệu chiếc khẩu trang y tế miễn phí cho cán bộ nhân viên ngành y tế, các chiến sỹ công an bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và những người không có khả năng mua khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Hiện C.P Việt Nam có 11 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc – gia cầm – thủy hải sản, 7 trang trại – nhà máy nuôi heo gà, 14 trại nuôi tôm cá, 8 nhà – cơ sở chế biến thịt gà – heo – gia cầm – thủy hải sản trong 3 lĩnh vực Feed – Farm – Food; phục vụ chuỗi sản xuất khép kín ‘từ nông trại đến bàn ăn’, hay biến C.P trở thành ‘bếp ăn của thế giới’.

Năm 2019, theo bảng xếp hạng của Vietnam Report, C.P Vietnam đứng thứ 18/500 doanh nghiệp lớn Việt Nam và là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Tháng 3/2020, C.P. Việt Nam (chi nhánh Nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga thông báo chính thức là doanh nghiệp đầu tiên được cơ quan này cấp phép cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga.

Vào đầu tháng 7/2020, nhà máy giết mổ, chế biến gà xuất khẩu hiện đại nhất Đông Nam Á tại tỉnh Bình Phước đã được khánh thành. 

Đây là công trình của tổ hợp dự án được đầu tư khép kín với hệ thống thiết bị hiện đại, là dự án lớn nhất của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam nói riêng, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực nói chung với công suất 1.000.000 con/tuần, tương đương 50 triệu con/năm. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.