Khó khăn dòng tiền, gán nợ bằng căn hộ
Anh L.Q.C, lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn xây dựng rao bán một số căn hộ chung cư tại khu vực Hà Đông với giá rẻ bất ngờ so với thị trường.
Mặc dù nằm trong toạ nhà tọa lạc ở vị trí đắc địa ở mặt đường Quang Trung (quận Hà Đông), căn hộ lại mới đưa vào bàn giao nhưng mỗi mét vuông chỉ rơi vào khoảng 17 triệu đồng. Trong khi đó, giá thị trường hiện rơi vào mức trên 20 triệu đồng/m2.
Anh Q.C cho rằng đây là mức giá “Black Friday” được đưa ra nhằm cắt lỗ nhanh, gọn để thu hồi vốn.
Theo tìm hiểu, căn hộ này được anh Q.C nhận từ một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên do khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp đối tác kia phải dùng căn hộ, biệt thự… để thanh toán công nợ.
Cực chẳng đã, nhà thầu khi nhận được những sản phẩm gán nợ này lại phải tìm mọi cách để thanh lý, nhiều trường hợp với bán với giá rất rẻ để nhanh chóng thu hồi gốc. Trong khi đó, lúc nhận căn hộ thì lại bằng mức giá bán được chủ đầu tư đưa ra thị trường.
Đề cập đến cách gán căn hộ để trả nợ của nhiều “đại gia” địa ốc, ông Phạm Văn Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam - cho hay: “Nói chung thiệt đơn, thiệt kép. Tuy nhiên, không còn cách nào khác phải chấp nhận nhận hiện vật để đối trừ công nợ. Nhưng không chấp nhận cũng khó bởi thà vậy còn hơn để số nợ “treo” mãi qua ngày này tháng khác”.
Nợ khó đòi là câu chuyện đau đầu của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: Intrenet).
Là người trong ngành, ông Toản kể về vô số chuyện “cười ra nước mắt” đối với việc “gán nợ” của những chủ đầu tư khó đòi. Trong số này, có doanh nghiệp nhận căn hộ, có người nhận biệt thự, shophouse… sau đó đem “bán hộ" với giá cắt lỗ.
Ông Toản cho biết, không chỉ nhà thầu tư vấn, xây lắp thi công mà nhiều doanh nghiệp môi giới cũng “dính” cách trả nợ này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có những chủ đầu tư cố tình chây ỳ nhưng cũng nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự trong vấn đề tài chính.
Bất động sản lao đao, xây dựng lãnh đủ
“Thanh toán sau”, “trả chậm”, “nợ”, “bù trừ công nợ”… là những từ ngữ có lẽ đã quen thuộc trong sản xuất - kinh doanh. Dù muốn hay không mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt với việc nợ nần cùng muôn kiểu khó đòi. Trong đó có doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng.
Đặc biệt, khi năm 2019 với nhiều khó khăn trên thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp chật vật trong bài toán dòng tiền thì việc doanh nghiệp xây lắp, tư vấn… bị nợ đọng lại nóng lên.
Thậm chí tại một số ĐHCĐ của doanh nghiệp ngành này, trọng tâm hàng đầu được ban lãnh đạo công ty đưa ra là “thu hồi công nợ”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí qua một số BTCT doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán, không chỉ lợi nhuận giảm sút mạnh, khoản phải thu cũng phình to.
Có lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, dù áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết công nợ, doanh nghiệp vẫn bị đối tác chiếm dụng vốn.
Mới đây, một công ty xây dựng có trụ sở tại Đà Nẵng đã phải gửi đơn cầu cứu tới các báo về việc bị nợ tiền thi công tại dự án nhà vườn khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển.
Chủ doanh nghiệp cho biết vì tin tưởng chủ đầu tư nên huy động hàng trăm công nhân gia thi công dự án theo hợp đồng được ký kết. Chỉ sau 1 tháng thi công, đơn vị này đã hoàn thiện xong tầng 1 và tầng 2 của hàng chục căn biệt thự nhưng khi đề nghị chủ đầu tư tiếp tục tạm ứng tiền để thi công nhưng bị từ chối.
Rất nhiều trường hợp, mối quan hệ “thân tình", gắn bó giữa chủ đầu tư và nhà thầu rơi cảnh tan tác.
Theo đó nhà thầu buộc phải đưa ra tòa để giải quyết món nợ khó đòi đối với chủ đầu tư. Không ít dự án “treo" nhiều năm vì không giải quyết được chuyện công nợ giữa chủ đầu tư với nhà thầu.