Khảo sát đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, tỉnh Hậu Giang đảm bảo phần kinh phí giải phóng mặt bằng như đã cam kết trước đó. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Đối với đơn vị thực hiện dự án cần có kế hoạch dự phòng nguồn vật liệu xây dựng, chủ động phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể bắt tay triển khai ngay. Cùng với đó, tùy theo địa chất từng đoạn, đơn vị tư vấn tính toán biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là đối với các khu vực đất nều yếu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẵn sàng bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng đoạn qua địa phận tỉnh. Đồng thời, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải trong việc chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư theo yêu cầu của Bộ.
Trước đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Chính phủ đã có Tờ trình số 156, ngày 30/4/2022 trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 ngày 10/5/2022 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 4669 ngày 12/5/2022 giải trình, làm rõ các ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tuyến có tổng chiều dài trên 188km; đoạn qua Hậu Giang dài khoảng 37km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng.