Liên tiếp trong hai ngày qua, cư dân tòa cao cấp Hei Tower (số 1, Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, trong đó nhiều nội dung liên quan tình trạng an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà.
Theo cư dân sinh sống tại đây, tầng mái vốn là khu vực cộng đồng nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân mà cho đơn vị khác kinh doanh nhà hàng. Cư dân cho rằng điều đó ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ.
Sau sự cố cháy tại tòa nhà Carina Plaza, TP HCM xảy ra mới đây khiến 13 người thiệt mạng, cư dân cùng ban quản trị dự án đi kiểm tra cửa thoát hiểm và hệ thống phòng cháy chữa cháy thì thấy có một số vấn đề không đảm bảo như hệ thống báo cháy bị lỗi, không hoạt động, cửa thoát hiểm cũng gặp sự cố... Những vấn đề này đã được phản ánh nhưng chủ đầu tư lại phản hồi chậm trễ khiến người dân bức xúc và lo lắng.
Cư dân tòa Sông Đà (Hà Đông) căng băng rôn gây sức ép để chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các vấn đề về an toàn cháy nổ. Ảnh: Cư dân chung cư. |
Tương tự, ngày 31/3, cư dân toà nhà Sông Đà (Hà Đông) cũng xuống đường biểu tình trước những bất cập của hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, ngày 25/3, tại tòa nhà Capital Garden 102 Trường Chinh, nhiều hộ dân tập trung dưới tầng sảnh của tòa nhà, căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Dự án được bàn giao từ cuối năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Trong khi đó, từ khi bàn giao, tại đây từng xảy ra hỏa hoạn ở tầng 15 của tòa nhà mà hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động. Cư dân nhiều lần căng băng rôn gây sức ép chủ đầu tư nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Tại dự án Golden West (Nhân Chính, Thanh Xuân) ngày 27/3, cư dân cũng tập trung phản ảnh tình trạng nhiều hạng mục phòng cháy chữa cháy còn dở dang, trong khi 400 hộ dân đã chuyển vào ở. Một số bộ phận phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện: họng cứu hỏa không có nước, máy bơm không hoạt động... Dự án được bàn giao từ cuối năm 2016 nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được nghiệm thu. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Việt Nam (Vietradico) còn cho thuê mặt bằng hầm B1 làm rạp chiếu phim, nhà hàng ăn uống.
Gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng vài ngày trước, đại diện cư dân Chung cư Tràng An Complex (Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy) cũng cho hay từ khi bàn giao nhà là cuối năm 2016, cư dân đã nhiều lần yêu cầu phải minh bạch về hệ thống phòng cháy chữa cháy và phải cho cư dân diễn tập, nhưng phía chủ đầu tư không đáp ứng. Hậu quả là đã có 4 vụ cháy lớn nhỏ xảy ra.
Gần đây nhất là một vụ cháy kéo dài 5 phút vào ngày 20/3. Tuy nhiên, theo các cư dân, từ lúc ngọn lửa bùng phát đến khi được dập tắt hoàn toàn, cư dân không hề nghe thấy chuông báo cháy.
"Điều này đã khiến người dân sống trong chung cư Tràng An Complex lo lắng, thắc mắc và nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy đang sử dụng trong chung cư", đại diện cư dân cho biết.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Toàn cầu Tràng An lý giải nguyên lý hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây là nhận tín hiệu báo cháy trên hệ thống tại tủ trung tâm trước, theo đó, nhân viên trực phòng điều khiển trung tâm dễ dàng nhận biết vị trí cháy.
Theo chủ đầu tư, khi sự cố xảy ra ngày 20/3 tại một căn hộ, đám cháy được dập tắt bằng đầu chữa cháy tự động đã kích hoạt, nhân viên trực phòng trung tâm đã cô lập tín hiệu chuông báo cháy, cô lập tín hiệu liên động tăng áp buồng thang… nhằm mục đích tránh gây hoang mang, xáo trộn sinh hoạt của cư dân.
"Trong khoảng 3 phút, nếu không xử lý được thì chuông báo cháy sẽ kích hoạt toàn bộ tòa nhà, khi đó hệ thống âm thanh sẽ phát loa sơ tán.Tuy nhiên, trong vụ cháy ngày 20/3, đám cháy được hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động dập tắt trong chưa đầy một phút".
Trước vụ việc trên, ngày 25/3, chủ đầu tư đã tổ chức cuộc gặp mặt đối thoại giữa đại diện cư dân và ban quản lý tòa nhà.