Đàn bà hay đàn ông, ai không chênh vênh khi không còn tổ ấm? Đàn bà vắng một bữa cơm ấm êm, đàn ông mất đi tiếng cười con trẻ. Đàn bà nhìn vào tương lai trắc trở để mà bi lụy. Đàn ông nhìn về quá khứ ngọt lành mà tiếc nuối. Nào đã biết ai buồn hơn ai.
Đàn ông ly hôn, không cứ phải phủi tay đi là được. Cái sợ của đàn ông ly hôn không phải là mất tiền bạc. Nhìn những đứa con mà day dứt vô cùng. Lo âu nhất, chúng sẽ nghĩ về mình ra sao?
Đàn bà yêu bao nhiêu thì hận bấy nhiêu. Nỗi hằn học ấy đôi khi găm vào những đứa con. Rằng mẹ đau khổ thế này, xót xa thế khác. Rồi thì cha con tệ bạc thế này, tội lỗi thế kia. Chúng sẽ lớn lên đầy định kiến. Người đàn ông khó có cơ hội thay đổi ánh nhìn từ chúng.
Đàn bà không yêu nữa thì bát nước hắt đi. Đàn ông vẫn còn nhiều mối nghĩ; nhất là, dù có cạn tình có dứt tình với vợ, mấy người bội bạc với con mình. Thành một kẻ xấu xa trong mắt con, đau khổ nào bằng.
Đàn bà, có một tấm chồng tồi phải dứt bỏ. Thì cũng nghĩ cho những đứa con cần người cha tốt mà nhẫn nhịn. Mà bao dung nhìn lại người kia đầy đủ một đoạn đời, có tốt có xấu. Đâu thể ấu tròn bồ hòn méo rồi gieo thêm hoang mang cho con mình. Những đứa trẻ lớn lên trong thù hận như mình, sẽ tiếp cận hạnh phúc với suy nghĩ méo mó. Đàn bà vậy, cũng độc ác lắm.
Nhiều người qua hôn nhân không hạnh phúc, xem nhau như bạn bè. Vẫn hẹn nhau đi chơi, nói cười vui vẻ. Vun vén cho những đứa trẻ đủ đầy cả cha lẫn mẹ. Nhìn thấy cũng vui lây, hôn nhân như một trải nghiệm để hoàn thiện mình. Nó tốt hơn rất nhiều những hạnh phúc vá víu, ngộp thở. Phải chịu đựng nhau trong câm lặng để rồi một ngày tức nước vỡ bờ, nhìn nhau như kẻ thù.
Cuộc sống thì vốn đầy trắc trở, hợp tan đôi khi không ở tay mình. Tận duyên thì chấp nhận buông tay. Hận thù bằng mấy, nhớ lại một quãng đời đã qua mà mỉm cười, tha thứ. Đay nghiến hoài người ta chưa chắc đau mà mình thì sầu thảm đọa đày.
Đàn bà. Thiếu gì cách chứng minh giá trị. Lấy cái mảnh vỡ hôn nhân khoác lên mình làm đẹp. Ngớ ngẩn vô cùng!