Biệt danh “Bà cô trên ngàn”
Ở tuổi 67, Thanh Tuyền vẫn hát nồng nàn, da diết và cao vút. |
Tối 4.11 và 5.11, dù thời tiết không thuận lợi nhưng hàng trăm khán giả vẫn ngồi kín khán phòng của phòng trà WE để thưởng thức giọng ca Thanh Tuyền. Ở tuổi 67, cô vẫn hát nồng nàn, da diết và cao vút. Chất giọng khỏe khoắn đặc trưng của cô gần như không khác với những đĩa nhạc cách đây nhiều năm. Chính vì thế có rất nhiều khán giả nghe tin Thanh Tuyền về hát là đi nghe đủ tất cả các đêm nhạc. Nhờ những tình cảm ấm áp ấy mà cô luôn mong mình có nhiều sức khỏe để hát được thêm vài ba năm nữa.
Các ca khúc trong đêm nhạc Dấu chân kỉ niệm, Đà Lạt chiều hoàng hôn, Ở hai đầu nỗi nhớ, Nỗi buồn hoa phượng, Không bao giờ quên anh, Phố vắng em rồi…đưa khán giả trở lại không gian xưa nhiều hoài niệm. Đây cũng là ca khúc gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca và được khán giả yêu mến trong suốt 52 năm qua. Trong đó có nhiều nhạc phẩm do các nhạc sĩ viết tặng riêng cho giọng ca Thanh Tuyền như Nỗi buồn hoa phượng, Chiều buồn ngày xuân…
Trong đêm nhạc, do thay đổi thời tiết nên nữ ca sĩ bị cảm, khan giọng. Tuy vậy cô vẫn cố gắng thể hiện rất nhiều ca khúc theo yêu cầu của người hâm mộ. Từ trước đến nay Thanh Tuyền luôn có thói quen hát ngẫu hứng chứ không theo chương trình đã tập sẵn. Cô tiết lộ ban nhạc thường đặt cho mình biệt danh “Bà cô trên ngàn” vì tập nhạc một đằng nhưng lại hát một nẻo.
Dù đã ở tuổi gần 70 nhưng trí nhớ của cô vẫn khá tốt nên chỉ cần lướt qua một chút là đã có thể nhớ lời bài hát và ca rất ngọt. |
Để chứng minh cho tính nghệ sĩ của mình, Thanh Tuyền đã chiều lòng khán giả khi bất ngờ thể hiện một câu hò và một câu vọng cổ. Tuy không phải là dòng nhạc sở trường nhưng cô đã khiến khán phòng mê mẩn với giọng ca cao vút, ngọt lịm. Nữ ca sĩ gốc Đà Lạt còn khiến khán giả bật cười khi nói “Vọng cổ hay cải lương là sở trường của Ngọc Huyền con dâu tôi, tôi phải nhường để con dâu có tiền làm nuôi các cháu nội của tôi”.
Khi khán giả yêu cầu một ca khúc không có trong danh sách bài đã chuẩn bị, Thanh Tuyền tranh thủ thời gian thay trang phục để nhẩm lại lời hát cấp tốc. Dù đã ở tuổi gần 70 nhưng trí nhớ của cô vẫn khá tốt nên chỉ cần lướt qua một chút là đã có thể nhớ lời bài hát và ca rất ngọt. Tuy vậy, nữ danh ca vẫn chia sẻ “Ngày xưa tôi học bài nhanh lắm, chỉ 5 phút là thuộc lời bài hát, sáng tác mới chỉ cần tập nửa ngày hay cùng lắm một ngày là hát được, nhưng bây giờ có tuổi rồi lại mau quên. Nếu khán giả yêu cầu những bài hát cũ đã lâu không hát mà tôi lỡ quên bất thình lình thì mọi người cũng thông cảm cho tôi”. Những chi tiết nhỏ này khiến khán giả rất thích thú và yêu mến cô nhiều hơn.
Nỗi day dứt trong cuộc đời nữ danh ca
Khi nhắc về những kỉ niệm khó quên, Thanh Tuyền tiết lộ mình có sở thích sưu tập bú bê dù đã ở tuổi bà nội. |
Thanh Tuyền tâm sự: “Mỗi suất hát đối với Thanh Tuyền là liều thuốc tuyệt vời. Ca sĩ ngộ lắm. Ở gia đình có bệnh hoạn, đau buồn gì thì tuyệt đối lên sân khấu không bao giờ mang lại những cái buồn cho khán giả, không bao giờ chia sẻ những điều không vui. Người nghệ sĩ phải mang lại những gì tốt đẹp nhất, những niềm vui cho khán giả. Tôi chỉ mong đêm nay, trong không khí gia đình này, sẽ phục vụ khán giả được nhiều ca khúc hay. Nhiều khán giả dễ thương đến mức Thanh Tuyền xem họ như người thân trong nhà”.
Khi nhắc về những kỉ niệm khó quên, Thanh Tuyền tiết lộ mình có sở thích sưu tập bú bê dù đã ở tuổi bà nội. Hồi nhỏ còn ở Đà Lạt, gia đình cô đông con nên cuộc sống khá chật vật. Thanh Tuyền có một người bạn hàng xóm tên Thu nhà rất giàu nên có búp bê đẹp để chơi. Nhìn bạn có món đồ chơi đắt tiền, cô thèm lắm nhưng không có tiền mua. Đợi đến khi bạn chơi chán, búp bê xấu xí lem luốc, tóc cháy đen nên bạn vất đi thì Thanh Tuyền len lén nhặt về. Từ đó hễ đi đến đâu thấy búp bê đẹp là cô lại mua như một cách nhớ về tuổi thơ khốn khó.
Thanh Tuyền còn có một kỉ niệm đáng nhớ với ca khúc Chiều buồn ngày xuân. Đây là nhạc phẩm được nhạc sĩ Lam Phương viết riêng dựa trên câu chuyện cuộc đời thật của cô. Ngày đó, người chồng đầu tiên bỏ sang Mỹ, để lại Thanh Tuyền với ba đứa con thơ dại. Sau nhiều sóng gió, cô và các con mới đến được nước Mỹ thì phát hiện ra người chồng khi xưa đã có duyên mới. Những đắng cay trong cuộc đời riêng được Thanh Tuyền tâm sự với nhạc sĩ Lam Phương và ông chuyển tải trong ca khúc đặc biệt. Vì thế mỗi lần hát Chiều buồn ngày xuân, Thanh Tuyền lại xúc động về một giai đoạn khốn khó trong cuộc đời.
Nữ ca sĩ đã thể hiện lại ca khúc Hai Lối Mộng của nhạc sĩ Trúc Phương đầy cảm xúc… |
Trong đêm diễn thứ hai tại phòng trà, khi được khán giả yêu cầu hát một ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương, nữ danh ca đất Đà Lạt đã không khỏi bùi ngùi xúc động. Thanh Tuyền cho biết, đến tận bây giờ cô vẫn còn day dứt vì đã không giúp đỡ được người nhạc sĩ tài hoa trong những ngày khốn khó của cuộc đời.
Theo lời Thanh Tuyền, nhạc sĩ Trúc Phương, tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Tình thắm duyên quê, Ai cho tôi tình yêu, Hai lối mộng…đã qua đời trong nghèo khó vào năm 1995, tại một căn trọ gần bến xe miền Đông. Thời gian này, cũng là lúc Thanh Tuyền đang thọ tang mẹ. Vì quá lo cho gia đình nên cô đã sơ sót mà không quan tâm được nhiều tới người nhạc sĩ tài hoa. Sau hơn 20 năm, nữ ca sĩ vẫn canh cánh nỗi niềm chua xót và tự trách mình đã không hỗ trợ được gì cho nhạc sĩ Trúc Phương.