Đánh, nhốt người nghi trộm chó vào lồng sắt: Đừng vì tức giận mà phạm tội

Pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm. Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gậy thương tích cho người phạm tội là không được phép.

Sáng 19/11, một đoạn clip được tung lên mạng xã hội ghi lại hình ảnh người đàn ông bị trói tay ngoài bờ đê thuộc thôn 12, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Sau đó người này bị nhiều người dân bức xúc lao vào đánh đập và nhốt vào lồng sắt cùng một con chó khoảng 30kg đã chết.

Nhận được tin báo, lãnh đạo xã Nghĩa Trụ đã cử công an xã đến hiện trường giải quyết vụ việc, đồng thời phối hợp với Công an huyện Văn Giang điều tra vụ việc.

Vậy, việc người dân bức xúc đánh hội đồng người đàn ông nghi trộm chó rồi nhốt vào lồng sắt có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào?

Theo đó, khi người dân phát hiện tội phạm cần phải báo ngay cho Công an hoặc Cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý ngăn chặn tội phạm.

Pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm. Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gậy thương tích cho người phạm tội là không được phép. Do đó, sau khi đã bắt được kẻ trộm chó, việc một số người dân đánh đập, gây thương tích cho người nghi trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật.

danh nhot nguoi nghi trom cho vao long sat dung bien minh thanh toi pham
Ảnh minh họa.

Theo Điều 104 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

- Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.

- Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.

- Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người.

- Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.

- Có tổ chức.

- Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

- Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.

- Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

- Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp trên, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp trên, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan chức năng có thể sẽ xem xét đến nguyên nhân, động cơ mục, mục đích của sự việc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hành vi trộm chó

Tại Bộ luật hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản như sau: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Căn cứ vào quy định của điều luật thấy rằng, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản bị lấy trộm phải từ hai triệu đồng trở lên, hoặc nếu dưới hai triệu đồng thì phải có các điều kiện như gây hậu quả nghiêm trọng , hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vi phạm.

Vậy trong trường hợp này, nếu trị giá con chó bị mất trộm chưa đến hai triệu đồng và không có các điều kiện trên thì các cơ quan pháp luật không có căn cứ để xử lý người trộm chó về tội trộm cắp tài sản mà chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với họ.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.