Đảo Cảnh Cước, Quảng Ninh rộng hơn 4.300 ha sẽ có resort cao cấp

Khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn (đảo Cảnh Cước) có diện tích khoảng 4.360 ha với tính chất là khu du lịch văn hóa, sinh thái biển đảo cao cấp,...

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh qui hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn (đảo Cảnh Cước), Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập qui hoạch phân khu Khu vực đảo Cảnh Cước thuộc quần đảo Vân Hải, huyện Vân Đồn, được xác định ranh giới cụ thể như sau: Phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vịnh Bái Tử Long, phía Bắc giáp Sông Mang và xã Bản Sen, phía Nam giáp Biển Đông và Đảo Thượng Mai.

Diện tích nghiên cứu qui hoạch khoảng 4.360 ha (xã Minh Châu khoảng 724 ha, xã Quan Lạn khoảng 3.636 ha), bao gồm: Đảo Cảnh Cước, đảo Mang, hòn Sao Ba, hòn Giai, hòn Soi Sặt với qui mô khoảng 2.750 ha; đất ngập nước và mặt nước qui mô khoảng 1.610 ha.

Quảng Ninh: Khu vực đảo Cảnh Cước rộng hơn 4.300 ha sẽ có resort cao cấp - Ảnh 1.

Eo Gió thuộc thôn Yến Hải, xã Quan Lạn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo đồ án Điều chỉnh Qui hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, Khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn có tính chất là khu du lịch văn hóa, sinh thái biển đảo cao cấp; trung tâm dịch vụ hậu cần, hỗ trợ quần đảo Vân Hải.

Dự báo qui mô dân số khoảng 43.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 9.500 người; dân số, lao động qui đổi khoảng 33.500 người.

Dự kiến khu vực đảo Cảnh Cước sẽ bao gồm 8 phân khu. Cụ thể, khu vực ven các bãi tắm phía Đông sẽ ưu tiên phát triển các chức năng về dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Khu vực dọc tuyến trục chính xuyên đảo sẽ ưu tiên các công trình dịch vụ gắn với thương mại, các dịch vụ hỗn hợp chất lượng cao.

Hai khu vực trung tâm xã sẽ bố trí các khu nhà ở mới kết hợp với các khu vực dân cư hiện trạng để phục vụ nhu cầu tăng dân số tại khu vực. Hình thành cụm công trình dịch vụ công cộng hỗ trợ người dân và du khách tại các đảo lần cận.

Ngoài ra, khai thác khu vực đồi núi có lợi thế về tầm nhìn, lợi thế về cảnh quan để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng (resort) cao cấp.

Khu vực xã Minh Châu sẽ ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bãi biển; bảo vệ hệ sinh thái rừng Trâm, rừng đặc dụng. Khu vực phía Bắc xã Quan Lạn phát triển thành khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các dự án đang được hình thành.

Khu vực Trung tâm xã Quan Lạn phát triển thành khu phố cũ, phố đi bộ gắn với văn hóa ẩm thực, hoạt động đêm. Phát triển mở rộng về phía bến thuyền Quan Lạn, hình thành trung tâm dịch vụ thương mại, công cộng và dịch vụ tổng hợp, hậu cần cảng, âu thuyền tránh trú bão. Bảo tồn phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với các tuyến du lịch trải nghiệm.

Khu vực phía Nam xã Quan Lạn bổ sung thêm các loại hình du lịch cao cấp mới ven triền núi, phát triển thêm các bãi tắm gắn với từng vị trí thuận lợi. Bảo tồn cảnh quan khu vực Eo gió để hình thành nên một điểm ngắm cảnh có giá trị.

Khu vực đảo Mang, hòn Giải phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, bảo tồn phục hồi lại di tích bến Cái Làng gắn với lịch sử thương cảng Vân Đồn.

Theo quyết định, cơ quan tổ chức lập qui hoạch là Ban Quản lí Khu kinh tế Vân Đồn, cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng và cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian hoàn thành đồ án tối đa 9 tháng kể từ ngày nhiệm vụ qui hoạch được phê duyệt.

Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập qui hoạch toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn (khoảng 2.171,33 km2).

Cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, được định hướng thành 5 vành đai phát triển.

Đối với quần đảo Vân Hải, phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực.

Bên cạnh đó, khu vực này giới hạn phát triển dân cư tại một số đảo hiện có (Cảnh Cước, Trà Bản, Ngọc Vừng, Cống Đông - Cống Tây). Bố trí trung tâm dịch vụ công cộng chung tại đảo Cảnh Cước, Ngọc Vừng, Trà Bản.

Các phân vùng chức năng bao gồm: Khu vực phía Bắc thuộc phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long được bảo tồn nghiêm theo qui định.

Khu vực các đảo phía Đông (Cảnh Cước, Ngọc Vừng, Vạn Cảnh, Trà Bản, Châu Dấp, Phượng Hoàng, Chàng Ngọ, Cái Lim) hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp vui chơi giải trí.

Khu vực các đảo phía Tây (Đống Chén, Trà Bản, Thẻ Vàng) phát triển các khu du lịch sinh thái, kết hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các đảo đá, đảo sinh thái cho phép khai thác du lịch, hạn chế hoạt động xây dựng công trình.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.