Đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch khởi công từ giữa tháng 2/2025, tại khu vực hạ lưu sông, thuộc phường Thanh Liệt.
Nằm giữa nội đô, sông Tô Lịch hiện nay dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt, điểm cuối thoát ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở.
Do Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá thu gom, xử lý hầu hết nước thải đổ vào sông Tô Lịch và không bổ cập trở lại nên sông đối diện nguy cơ cạn kiệt vào mùa đông xuân. Nhằm bổ sung nước cho sông, Hà Nội đã tính nhiều giải pháp, trong đó có làm cống dẫn nước từ sông Hồng vào, tạm thời lấy nước đã xử lý của Hồ Tây bổ sung, xây đập dâng giữ nước.
Để thi công đập dâng Thanh Liệt, đơn vị xây lắp đã dựng tường thép bao quanh khu vực đập nhằm ngăn nước tràn vào công trường và dành khoảng 8 m lòng sông cho nước lưu thoát.
Đập dâng trên sông Tô Lịch hoạt động như một "van điều tiết" nước, giúp giữ nước và điều chỉnh mực nước sông. Đặc biệt là vào mùa đông xuân, khi lưu lượng nước sông Tô Lịch giảm, đập dâng sẽ giữ lại một phần nước, duy trì mực nước trên sông để đảm bảo không bị cạn kiệt.
Việc giữ nước và tăng cường lưu thông nước có thể giúp cải thiện chất lượng nước trên sông Tô Lịch, giảm thiểu ô nhiễm.
Điểm nhấn của đập dâng là đài quan sát có kiến trúc hình bát giác sơn màu vàng, được xây dựng giữa đập.
Nhà bát giác có 8 cột bằng bêtông, mái tôn giả ngói, phần hoa văn sơn vàng, tạo cho công trình vừa có nét cổ kính, vừa hiện đại. Người dân có thể đứng ở nhà bát giác để ngắm cảnh quan hai bên bờ sông.
Thân đập đã hoàn thiện, tổng khối lượng toàn công trình đạt trên 70% tiến độ.
Đập dâng có chức năng tương tự đập tràn hay cống có cửa van, kết cấu ngăn nước của đập bằng túi cao su liên kết với móng đập, có thể điều chỉnh mực nước bằng cách bơm hoặc xả khí/nước vào túi. Đập dâng cao su có nhiều ưu điểm so với đập truyền thống như chi phí thấp, thi công nhanh, chịu được lún không đều và có thể xả lũ tốt.
Trên công trường đang duy trì hơn chục công nhân thi công những hạng mục còn lại như lát nền, đường dẫn, bờ kè hai bên đập...
Dự kiến, đập hoàn thành trước tháng 8/2025.
Do đặc thù sông Tô Lịch có độ dốc đáng kể, chênh lệch cao độ đáy sông tại điểm đầu đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối Thanh Liệt khoảng hai mét nên lượng nước bổ cập vào sông với lưu lượng thấp không đủ tạo dòng chảy và dâng nước trên toàn bộ chiều dài sông. Việc xây dựng đập dâng nhằm giúp giảm thiểu hạn chế này.
Ngoài xây dựng đập dâng, hiện công tác nạo vét, thanh thải lòng sông, chống sạt lở hai bên bờ đang được thực hiện.
Ngoài đập dâng ở Thanh Liệt, Hà Nội dự kiến xây thêm hai đập dâng khác tại cầu Dậu (quận Hoàng Mai cũ) và cầu Cót (quận Cầu Giấy cũ).