'Dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản' tại ba dự án nhà ở Bình Dương

Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An bị xác định có nhiều sai phạm trong huy động vốn, bán đất nền khi thực hiện ba dự án nhà ở, chung cư thương mại đường sắt ở Bình Dương.

Sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu trong thông báo về kết luận thanh tra chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Với khu đất 96.251 m2 tại số 8 Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi hơn 95.200 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An (100% vốn nhà nước) và 298,8 m2 đất của 3 hộ dân. Khu đất sau đó giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An để thực hiện dự án khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc giao đất không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất. Khi xác định tiền sử dụng đất, các sở ngành đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án 5 năm từ đề nghị của chủ đầu tư. Điều này là không đúng, dẫn đến giảm tiền sử dụng đất 14,7 tỷ đồng.

Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Phòng tài chính kế hoạch thị xã Dĩ An, Phòng tài nguyên và môi trường thị xã Dĩ An, UBND phường Dĩ An, đơn vị tư vấn SIVC, Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An cũng bị thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm như chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng xã hội; bán 5 nền đất cho các cá nhân xây nhà ở trong lô đất lẽ ra phải là khu nhà trẻ như công năng được phê duyệt. Hành vi này bị xác định có dấu hiệu "lừa đảo khách hàng".

Hợp đồng liên doanh giữa các công ty dùng quyền thuê đất 50 tỷ đồng để góp vốn cũng bị xác định "không đúng quy định pháp luật về đất đai". Hai bên liên doanh cũng chưa tính toán, xác định vốn góp, chi phí đầu tư dự án để có đầy đủ cơ sở phân chia sản phẩm, đảm bảo công bằng lợi ích kinh tế giữa các bên. Trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại Á Châu.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An được thụ hưởng hơn 10.000 m2 đất thương phẩm tại dự án nhà ở nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại đứng tên Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An. Điều này chưa phản ánh đúng quyền lợi theo thỏa thuận tại hợp đồng liên doanh.

Thanh tra Chính phủ cho rằng để xảy ra việc này có trách nhiệm thuộc về các công ty và người đại diện vốn nhà nước của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An.

Việc tháo dỡ đường sắt ở dự án cũng bị thanh tra xác định có sai phạm; trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Tại khu đất hơn 64.000 m2 ở phường Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở thương mại đường sắt cho Công ty Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư. Chủ trương không đấu thầu khi lựa chọn chủ đầu tư dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Việc Bình Dương để Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An thực hiện dự án khu nhà ở thương mại cũng không đúng trường hợp.

UBND tỉnh Bình Dương còn bị thanh tra cho rằng phải có trách nhiệm khi chưa xác định nghĩa vụ tài chính để thu ngân sách, nguy cơ thất thu ngân sách với số tiền rất lớn.

Về phía Công ty Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An, thanh tra cho rằng có nhiều sai phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật. Doanh nghiệp này chưa được Sở Xây dựng thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn nhưng đã ký hợp đồng huy động vốn hợp tác đầu tư với 387 nền đất liền kề, tổng giá trị 309 tỷ đồng. Hiện đã thu về 261 tỷ đồng.

Thanh tra đánh giá, việc huy động vốn và bàn giao 387 nền đất cho khách hàng đã vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản. Trách nhiệm thuộc về chính chủ đầu tư này và UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Dĩ An các thời kỳ.

Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, TP Dĩ An, hiện ngưng hoạt động. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Với dự án nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên khu đất hơn 47.800 m2 tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An chưa có quyền sử dụng đất, chưa được phê duyệt dự án đầu tư, chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thế nhưng chỉ sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng huy động vốn trên 290 nền đất.

Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An sau đó thu khoảng 231 tỷ đồng, vi phạm nghiêm trọng quy định về huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại. Doanh nghiệp này khi bị phát hiện sai phạm đã bị Chủ tịch tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính song vi phạm vẫn không được khắc phục.

Đến tháng 1/2021, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Bởi thế thực tế đến thời điểm hiện tại, Công ty Phát triển nhà xe lửa Dĩ An chưa được phép thực hiện dự án. Thế nhưng vốn huy động từ năm 2018 công ty vẫn chưa hoàn trả khách hàng, còn nợ 191 tỷ đồng.

Tiền huy động vốn của công ty này không thể hiện trên báo cáo tài chính, nguy cơ thất thoát vốn góp của khách hàng, cần điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, thanh tra kết luận.

Sau khi chỉ ra các sai phạm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của ba dự án trên để điều tra, xử lý theo quy định. Ở cả ba dự án, thanh tra xác định Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An đều có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chuyển Bộ Công an điều tra sai phạm về hai khu "đất vàng" ở TP HCM

Ngoài 3 dự án trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra sai phạm ở hai dự án trên "đất vàng" ở TP HCM. Một là khu đất 6.849 m2 tại số 5 đường 22 khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Năm 2008, Chủ tịch UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị chuyển toàn bộ chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất sang đất ở để xây dự án nhà ở thấp tầng liền kề có sân vườn.

Thanh tra cho rằng việc chấp thuận này không đủ điều kiện, không đúng trường hợp được sử dụng đất. Hơn nữa, khi UBND TP HCM phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch làm mật độ xây dựng toàn khu vực tăng 1,84% nhưng lại chưa truy thu tiền sử dụng đất.

Có dự án song không thực hiện, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới vào năm 2015. Việc chuyển nhượng này được cấp giấy chứng nhận thay đổi nhà đầu tư trên "sổ đỏ" trước khi UBND TP HCM chấp thuận cho chuyển nhượng.

Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới khởi công dự án vào tháng 9/2017 khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, chưa được UBND TP HCM chấp thuận đầu tư.

Hai là khu đất 1.090 m2 tại số 244 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, do Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ sử dụng từ năm 1977. Chủ tịch UBND TP HCM sau đó chấp thuận cho công ty này chuyển toàn bộ mục đích sử dụng 1.090 m2 là vi phạm quy định pháp luật về đất đai, kết luận thanh tra nêu.

Chủ tịch UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho công ty này. Trong đó diện tích cấp trên sổ tăng 37 m2 chưa được xác định tiền sử dụng đất (khoảng 485 triệu đồng).

Khi dự án chưa được phê duyệt đầu tư và hạn chế về năng lực tài chính song Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã đề nghị chuyển nhượng dự án. Tháng 1/2017, UBND TP HCM đã chấp thuận chuyển nhượng dự án trên khu đất này cho Công ty TNHH Tuyết Nga.

Đến thời điểm bị thanh tra, dự án vẫn chưa triển khai, dẫn đến lãng phí nguồn lực về đất đai. Theo cơ quan thanh tra, trách nhiệm thuộc về UBND TP HCM, Phó chủ tịch UBND TP HCM và các công ty liên quan.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu về hai khu đất trên để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.