Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 79 dự án với khoảng 40.600 căn NOXH.
Qua tổng hợp thông tin từ các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án NOXH được triển khai với quy mô hơn 560.000 căn. Tuy nhiên, mới có 79 dự án hoàn thành, 128 dự án khởi công xây dựng và 412 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tổng số lượng căn hộ NOXH được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn đến năm 2025.
Tại tọa đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025", bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) đánh giá, hiện nay nhu cầu về NOXH rất lớn.
Đặc biệt là tại các địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có hàng trăm ngàn lao động nhập cư đang làm việc. Song, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn cung phân khúc này đang rất hạn chế.
Lãnh đạo Kim Oanh Group cho biết, mới đây tập đoàn đã công bố kế hoạch xây dựng 26 dự án với tổng số 40.000 căn NOXH. Quỹ đất dành cho xây dựng NOXH là 107 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng.
Trong tháng 11, tập đoàn sẽ ra mắt dự án NOXH quy mô 26,9 ha tại trung tâm thành phố mới Bình Dương, với giá bán bằng khoảng 50% so với các dự án cùng phân khúc trên thị trường.
Liên quan đến quỹ đất 20% để xây dựng NOXH nằm trong các dự án thương mại, theo bà Oanh, đối với những dự án trước đây, việc giao hẳn cho doanh nghiệp là hợp lý. Còn nếu quỹ đất của Nhà nước được đưa ra đấu thầu để chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, sau đó bán lại theo giá Nhà nước quy định và hưởng lợi nhuận 10%.
Bà Oanh cho rằng như vậy, Nhà nước sẽ không phải chịu rủi ro và nếu doanh nghiệp làm không đúng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Đối với những dự án riêng biệt, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần định giá đất một cách rõ ràng, minh bạch và thống nhất.
"Chẳng hạn như dự án của Kim Oanh tại thành phố mới Bình Dương. Đây là khu đất mà chúng tôi đã mua cách đây 8 năm, đến nay giá vốn đầu tư và lãi vay đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Nguồn gốc khu đất này vốn là đất khu công nghiệp, sau đó được phê duyệt tách ra làm khu nhà ở và đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Nếu tính theo giá đất khu công nghiệp là 170 USD/m2 thì tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Còn nếu dự án này tính theo giá đất thương mại hiện nay, thì giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Dù vậy, tập đoàn vẫn xin chuyển đổi dự án này sang phát triển NOXH và sẵn sàng thực hiện nếu giá đất tính theo mức 1.000 tỷ đồng như đã nêu. Tuy nhiên, nếu giá đất được tính theo sổ sách cách đây hơn 20 năm, chỉ còn khoảng 150 tỷ đồng, thì doanh nghiệp không thể triển khai được dự án.
Do đó, tôi kiến nghị Nhà nước cần phân biệt rõ các loại đất do Nhà nước giao hay doanh nghiệp tự mua để định giá một cách hợp lý và minh bạch. Điều này sẽ giúp tránh cho doanh nghiệp khỏi vi phạm trong quá trình đầu tư, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với Nhà nước trong việc phát triển NOXH", bà Oanh cho hay.
Trước đó, hồi tháng 4, UBND tỉnh Bình Dương đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư dự án Một Thế Giới ở TP Thuận An cho Kim Oanh Group cùng cùng 3 đối tác đến từ Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi, Công ty Phát triển Đô thị NTT. Kim Oanh Group cũng hợp tác phát triển Trung tâm thương mại tại dự án với Công ty AEON Việt Nam.
Khu đô thị này có quy mô gần 50 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, với các sản phẩm bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound, căn hộ, chung cư nhà ở xã hội…