Hình ảnh kêu gọi ngăn chặn phân biệt giới tính trọng nam khinh nữ - Ảnh: AFP |
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Counseling Psychology ngày 21-11, ông Y. Joel Wong, phó giáo sư tâm lý giáo dục Đại học Indiana tại Bloomington, cùng các thành viên nhóm nghiên cứu của mình đã phân tích 74 nghiên cứu được thực hiện từ năm 2003 đến năm 2013 trên gần 19.500 nam giới, chủ yếu là người da trắng, từ tuổi thiếu niên đến ngoài 65.
Theo ông Wong, nghiên cứu của nhóm tập trung vào những “quan điểm truyền thống” về nam tính, tìm câu trả lời cho các câu hỏi như “nam tính có ý nghĩa như thế nào, và có liên hệ gì đến sức khỏe tinh thần của nam giới”.
“Nhìn tổng thể, những gì chúng tôi phát hiện ra là nam giới càng “đạt chuẩn” nam tính, sức khỏe tinh thần họ càng kém” - ông Wong kết luận.
Nhóm nghiên cứu tập trung phân tích dữ liệu liên quan đến các tiêu chuẩn được xem là đánh giá mức độ nam tính “một cách truyền thống” như khao khát giành chiến thắng, kiềm chế cảm xúc, mạo hiểm, có xu hướng bạo lực, có lối sống ăn chơi, độc lập, xem trọng sự nghiệp và địa vị, nghĩ mình quyền lực hơn phụ nữ, kỳ thị người đồng tính…
Sau đó, các tiêu chuẩn này được mang ra xem xét cùng với nguy cơ mắc một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, căng thẳng, rắc rối về hình thể, hoặc khó giao tiếp với người khác.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người “đạt chuẩn” nhìn chung có tình trạng sức khỏe tinh thần tệ hơn những người không đạt chuẩn, và họ cũng không thường có xu hướng nhờ đến tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, chỉ có 4 tiêu chuẩn nam tính trên là thực sự có liên hệ đáng kể với tình trạng sức khỏe tinh thần kém, đó là thói quen kiềm chế cảm xúc, xu hướng ăn chơi, độc lập và nghĩ mình quyền lực hơn phụ nữ.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những gì họ quan sát là “mối liên hệ”, chứ không phải là nguyên nhân và kết quả trực tiếp giữa các chuẩn mực nam tính và tình trạng sức khỏe tinh thần kém.
Ông Wong cũng nói thêm rằng nguyên nhân có thể là do một số chuẩn mực trên đang dần “lỗi thời” và đang bị phản đối.
Ông nêu ví dụ ngày xưa người đàn ông có thể quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người và bạn đời của họ có thể thông cảm, nhưng ngày nay người ta khó chấp nhận chuyện đó, đồng nghĩa rằng người “có lối sống ăn chơi” sẽ gặp nhiều căng thẳng hơn.