Phát biểu tại lễ ra quân, ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án có tổng chiều dài 63,32 km, được chia thành hai dự án thành phần. Trong số đó, dự án thành phần 1 đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) có chiều dài hơn 22,3 km, tổng mức đầu tư khoảng 399,7 tỷ đồng, dự án khởi công từ tháng 1/2022 và đã thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ cuối năm 2023.
Đối với dự án thành phần 2 đường từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) có chiều dài 41,04 km. Theo đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận dài khoảng 23,94 km; đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 17,1 km; quy mô mặt cắt ngang nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 8m. Điểm đầu dự án trùng với điểm cuối của dự án thành phần 1 (tại Km22+283) thuộc xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận); điểm cuối tại ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng; tổng mức đầu tư dự án hơn 1.095 tỷ đồng.
Đến nay, dự án thành phần 2 đã tổ chức triển khai thi công nền, mặt đường, các công trình thoát nước trên tuyến tại các đoạn có mặt bằng khoảng 23,5km; phía Ninh Thuận thi công được 8km, Lâm Đồng thi công được 15,5 km. Hiện nay, đã hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường được 14 km, với giá trị ước đạt khoảng 65% so với hợp đồng đã ký kết; đoạn tuyến còn lại khoảng 17,5km chưa triển khai thi công do vướng rừng và đất rừng hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi rừng và đất rừng sang mục đích khác.
Ông Phạm Minh Tân cho biết, để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ và hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã xây dựng kế hoạch cụ thể và đã triển khai đến các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các phòng chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, các đơn vị tập trung phối hợp, cung cấp các tài liệu để các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi rừng và đất rừng trong quý I/2024 và phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn hoàn tất các thủ tục tận thu lâm sản bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công trong Quý II/2024.
Đồng thời, Ban yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng kế hoạch cụ thể và có văn bản đăng ký và cam kết thực hiện khối lượng giải ngân năm 2024; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, phố hợp xử ý kịp thời các vướng mắc khó khăn để không làm ảnh hưởng đến tiến độ nhà thầu và có biện pháp xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ; thường xuyên báo cáo tình hình triển khai thực hiện, các vướng mắc, khó khăn để Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Phát biểu tại lễ ra quân, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh cần phải sớm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án để phá thế chia cắt, tạo động lực kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt kết nối, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận có Cảng biển tổng hợp Cà Ná có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 300.000 tấn.
“Tôi đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát, thiết kế; các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc nghiêm túc, khách quan, vô tư; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng theo hồ sơ đã được phê duyệt, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị.
Theo đánh giá, Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng sau khi hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng giữa Ninh Thuận – Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Dự án góp phần phai thác hiệu quả những vùng đất tiềm năng, tạo quỹ đất dọc theo tuyến đường để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; từng bước hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và nâng cao tiềm lực an ninh - quốc phòng.