Lâm Đồng duyệt quy hoạch vùng huyện Đam Rông, chia làm ba tiểu vùng phát triển

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040.

Một góc huyện Đam Rông. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Thông tin từ Báo Lâm Đồng, UBND tỉnh vừa qua đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040.

Theo Quyết định trên, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ ranh giới huyện Đam Rông bao gồm 8 xã (Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Đạ Rsal, Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long) với tổng diện tích 57.287 ha.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2025 đạt khoảng 59.400 người, trong đó dân số đô thị khoảng 13.600 người, dân số nông thôn khoảng 45.800 người và đến năm 2040 đạt khoảng 77.100 người.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông nhằm mục tiêu phát triển vùng: Đến năm 2040, ngành nông - lâm - thủy chiếm 34%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 21,2% và dịch vụ chiếm 44,8%. Về đô thị hóa, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 22,9% (gồm 2 đô thị loại V) và đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,1% (gồm 3 đô thị loại V).

Về định hướng phát triển không gian vùng huyện Đam Rông được phân thành 3 tiểu vùng gồm tiểu vùng I gồm Đô thị Bằng Lăng (Rô Men), Đạ Rsal và Liêng S'rônh có diện tích 45.037 ha. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đô thị - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh; vùng phát triển kinh tế động lực của huyện.

Tiểu vùng II gồm xã Đạ K’nàng và Phi Liêng có diện tích khoảng 17.255 ha, trung tâm tiểu vùng là xã Phi Liêng. Tiểu vùng III gồm các xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long có diện tích khoảng 24.965 ha. 

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông theo định hướng hệ thống các đô thị gồm: Đô thị trung tâm Bằng Lăng (Rô Men), Đô thị Đạ Rsal và Đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng)…

Về định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn, từ nay đến năm 2040, huyện Đam Rông tiếp tục đầu tư nâng cấp, chỉnh trang các điểm dân cư hiện trạng trên địa bàn các xã; chỉnh trang và bổ sung các điểm dân cư theo chương trình sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, phát triển mới 5 điểm dân cư nông thôn tại các xã Đạ Tông, Đạ Long, Phi Liêng, Đạ K’nàng, Liêng S'rônh. 

Định hướng công nghiệp sẽ phát triển công nghiệp nhẹ, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dựa vào tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ (như: lúa, rau, củ quả, cà phê, cây ăn trái, dâu tằm, sản phẩm từ lâm nghiệp…), giao thông kết nối liên vùng (như: tuyến cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột, QL 27, tỉnh lộ 722, 722B, 722C, 724, 726) và ngành nghề truyền thống. Định hướng phát triển cụm công nghiệp quy mô khoảng 31 ha tại xã Liêng S'rônh. 

Trong định hướng phát triển du lịch, huyện quan tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe, du lịch canh nông, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với du lịch vùng cảnh quan sông Krông Nô; các khu, điểm du lịch gắn với hệ sinh thái cảnh quan rừng, hệ thống hồ (như: hồ Đạ Chao, hồ Đắk Mê, hồ Đạ Nòng, hồ Phi Liêng, hồ Lăng Tô Đạ K’nàng…), hệ thống thác (Bảy Tầng, Tiêng Tang…), hệ thống suối nước nóng (Đạ Long, Đạ Tông) và các ngành nghề truyền thống. 

Về định hướng xây dựng phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ, huyện sẽ nâng cấp, mở rộng các cơ sở giáo dục, y tế; đầu tư các công trình văn hóa - thể dục, thể thao quy mô cấp vùng tại Bằng Lăng, phát triển mạng lưới văn hóa - thể dục, thể thao tại khu đô thị Đạ Rsal và các xã; nâng cấp chợ Đạ Rsal thành chợ đầu mối của huyện, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư mới 1 trung tâm thương mại hạng 2 (tại trung tâm Bằng Lăng), đồng thời xây dựng 8 trung tâm hỗ trợ dịch vụ phát triển kinh tế nông thôn ở 8 xã.  

Riêng về định hướng phát triển hệ thống kỹ thuật, có đường cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT 26); QL 27, theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III miền núi; Đường tỉnh ĐT.722, ĐT.722B, ĐT 722C, ĐT 726, ĐT 724 theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và cấp III miền núi; Đường huyện ĐH 43 (xã Liêng S'rônh), ĐH45 (từ xã Rô Men đi Đạ Rsal), ĐH 46 (xã Phi Liêng), ĐH 47 (xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long), tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Đường kết nối sản xuất du lịch được quy hoạch tuyến kết nối từ xã Đạ Long đi hồ thủy điện Krông Nô 3, đường kết nối du lịch từ trung tâm đi hồ Bóp La - thác Bảy Tầng (xã Phi Liêng); Nút cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột được kết nối với đường kết nối khu đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng), kết nối với tỉnh lộ 722B (phía Đông đô thị Bằng Lăng), kết nối với tỉnh lộ 722C (phía đông đô thị Đạ RSal). 

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông, toàn huyện sẽ được quy hoạch ba bến xe, theo đó đến năm 2040, bến xe tại trung tâm đô thị Bằng Lăng sẽ đạt tiêu chuẩn bến xe loại II; tại đô thị Đạ Rsal, sau năm 2040 khi đô thị Đạ Rsal đạt tiêu chí đô thị loại IV, sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến xe loại II và tại xã Đạ Long (đến năm 2040) đạt tiêu chuẩn bến xe loại VI…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.