Dự kiến quý II/2024 khởi công tuyến đường 1.900 tỷ nối Khánh Hoà - Ninh Thuận - Lâm Đồng, cần chiếm dụng 76 ha đất rừng

Tuyến đường giao thông từ quốc lộ 27C đến ĐT.656, kết nối Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận có tổng chiều dài gần 60 km. Dự án này đi qua hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn (Khánh Hoà), dự kiến thi công trong giai đoạn quý II/2024 - quý III/2028.

Một góc huyện Khánh Vĩnh hiện nay. (Ảnh: Báo Khánh Hoà).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hoà vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến ĐT.656, kết nối Khánh Hoà với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Dự án sẽ đi qua địa phận các huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, đây là hai địa phương nghèo miền núi của Khánh Hoà. Hiện nay các tuyến đường chính của hai huyện này không kết nối trực tiếp với nhau, mọi hoạt động giao lưu giữa hai huyện cũng như với các huyện khác phụ thuộc vào quốc lộ 27C (huyện Khánh Vĩnh) và ĐT.656 (tỉnh lộ 9, huyện Khánh Sơn).

Trước thực trạng nói trên, ngày 20/6 vừa qua, dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến ĐT.656 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm tạo tính liên kết liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, phát triển kinh tế giữa hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, đặc biệt là kết nối liên vùng giữa 3 tỉnh Khánh Hoà, Lâm Đồng và Ninh Thuận và rộng hơn là kết nối cả khu vực Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn được coi là vựa hoa quả của Khánh Hoà, có khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, khi tuyến đường được hoàn thành sẽ là bàn đạp để thu hút các nhà đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả cao. 

Đường giao thông từ quốc lộ 27C đến ĐT.656 có tổng chiều dài khoảng 56,9 km, trong đó đoạn qua huyện Khánh Vĩnh dài hơn 29 km và đoạn qua Khánh Sơn dài gần 28 km. Tuyến sẽ đi qua các xã Sông Cầu, Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) và xã Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn (huyện Khánh Sơn).

Toàn cảnh hướng tuyến. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Điểm đầu dự án nằm tại nút giao giữa quốc lộ 27C với đường huyện HL.62 (ĐT.654C). Tại đây theo ĐT.654C đi về phía bắc qua trung tâm xã Sông Cầu sẽ nối vào đường tỉnh lộ 2, khu vực phía tây bên trái tuyến cách 50 - 200 m là sông Cầu, cách bên phải tuyến về phía đông 150 m là KCN Sông Cầu. 

Về điểm cuối, theo quy hoạch giao thông thi điểm cuối sẽ nối vào khu vực ĐT.656 hiện hữu, cách ranh giới tỉnh Ninh Thuận khoảng 12 km. Hiện nay đoạn đường này đến ranh giới Ninh Thuận đã có tuyến đường cấp IV rộng 3,5 m đã xuống cấp, cần cải tạo nâng cấp. Vào năm 2020, tuyến đã được đề xuất kéo dài đến trung tâm xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Do vậy, điểm cuối tuyến được lựa chọn là vị trí ranh giới giữa Khánh Hoà và Ninh Thuận.

Nằm ở phía tây khu vực cuối tuyến, trong phạm vi 12 km là rừng tự nhiên giáp đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận (Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình) và tiếp giáp Lâm Đồng (thuộc vườn quốc gia Bidoup Núi Bà), về phía đông tuyến thì diện tích rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Như vậy, hướng tuyến bắt buộc phải đi vào diện tích đất rừng tự nhiên nhưng tránh vùng lõi nơi bảo tồn nghiêm ngặt.

Hai phương án hướng tuyến

Về hướng tuyến, trong quá trình nghiên cứu dự án, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế đã nghiên cứu thêm một số phương án tuyến.

Với phương án 1, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 60,2 km, đề xuất điểm cuối kết thúc ở ranh giới giữa Khánh Hoà và Ninh Thuận trên ĐT.707, nối vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận.

Hướng này có 2 vùng địa hình rõ rệt là đoạn đồng bằng và núi cao hiểm trở, tuyến đi về phía đông của sông Cầu, có đoạn lấn vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà 150 - 700 m, dài khoảng 13 km. Toàn tuyến có 15 vị trí cắt qua sông, suối phải làm cầu. Toàn bộ đoạn qua núi dài khoảng 35,7 km đi qua diện tích đất rừng tự nhiên.

Hai phương án hướng tuyến. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Đối với phương án 2, tổng chiều dài tuyến là 56,9 km, điểm cuối bám theo ĐT.656 và kết thúc ở ranh giới giữa Khánh Hoà và Ninh Thuận trên ĐT.707.

Ở phương án 2, hướng tuyến cũng đi qua hai vùng địa hình, tuy nhiên nhiều đoạn sườn núi có dốc ngang lớn hơn phương án 1. Hướng tuyến đi về phía tây sông Cầu và không cắt qua vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Toàn tuyến có 17 vị trí cắt qua sông, suối phải làm cầu. Toàn bộ đoạn qua núi dài khoảng 31 km tuyến đi qua diện tích đất rừng tự nhiên.

Phương án 2 có ưu điểm là không cắt qua vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tránh phía tây vị trí quy hoạch hồ chứa nước sông Cầu và chiều dài ngắn hơn phương án 1. Do đó, đây là phương án hướng tuyến được chọn.

Sẽ chuyển đổi gần 76 ha đất rừng

Về hiện trạng, dự án sẽ chiếm dụng khoảng 129 ha diện tích đất. Trong đó, đất rừng đề nghị chuyển mục đích là 75,6 ha; đất nông nghiệp chiếm dụng 37,2 ha; đất ở khoảng 7,3 ha; đất khác khoảng 9 ha.

Sẽ có 211 hộ dân bị ảnh hưởng (65 hộ thuộc Khánh Vĩnh và 146 hộ thuộc Khánh Sơn); số hộ phải tái định cư là 11 hộ (2 hộ Khánh Vĩnh và 9 hộ Khánh Sơn).

Trong số 75,6 ha đất rừng đề nghị chuyển đổi sẽ bao gồm 27 ha rừng phòng hộ đầu nguồn; 32,9 ha rừng đặc dụng và 15,6 ha rừng sản xuất. Chia theo các loại rừng, diện tích này bao gồm 1,5 ha rừng trồng gỗ và 74,1 ha rừng tự nhiên (gồm 47,6 ha rừng phục hồi; 5 ha rừng giàu; 14,5 ha rừng nghèo; 5,9 ha rừng hỗn giao và 1,1 ha rừng trung bình). Tổng diện tích dự kiến trồng rừng thay thế đối với dự án là 223,7 ha. 

Toàn bộ diện tích nói trên thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Hoà (21,6 ha); Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (32,9 ha); Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hoà (8,1 ha); Tổng công ty Khánh Việt (5,4 ha) và UBND xã (7,6 ha).

Dự án sẽ đi trùng với một số tuyến đường hiện hữu. Cụ thể, khoảng 2,4 km đầu tuyến đi trùng HL.62 chuẩn cấp IV miền núi, rộng 9 m. Đoạn từ Km45 đến cuối dự án đi trùng ĐT.656, đường cấp IV và cấp V, mặt đường rộng 3,5 - 6 m và đi qua cầu Sơn Bình (dài 132 m), cầu Co Ró (dài 90 m) và cầu Hàm Leo (dài 72 m).

 

 

Hiện trạng khu vực tuyến đi qua. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Dự kiến khởi công quý II/2024

Về quy mô, đây sẽ là dự án công trình giao thông đường bộ quan trọng cấp quốc gia, áp dụng hình thức đầu tư công, đường đạt cấp III miền núi cho toàn bộ tuyến, vận tốc thiết kế 60 km/h, đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc thì vận tốc thiết kế là 40 km/h.

Quy mô mặt cắt ngang của tuyến là 9 m, bao gồm hai làn xe rộng 6 m không có dải phân cách giữa, và chiều rộng lề đường hai bên 3 m.

Trong đó, có đoạn tuyến từ Km12 - Km42,25 tuyến đi qua địa hình vùng núi, khó khăn, hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, khe tụ thuỷ, cao độ thay đổi lớn 90 - 1.100 m, độ dốc ngang 20 - 40%. Đoạn này tuyến phải bám theo địa hình, do đó sẽ có vận tốc thiết kế là 40 km/h.

Trên tuyến sẽ xây dựng 15 công trình cầu, gồm cầu Suối Lau (dài 10 m); cầu số 1 (dài 99 m); cầu số 2 (dài 99 m); cầu số 3 (dài 66 m); cầu số 4 (dài 99 m); cầu số 5 (dài 264 m); cầu số 6 (dài 33 m); cầu số 7 (dài 99 m); cầu số 8 (dài 33 m); cầu số 9 (dài 33 m); cầu số 10 (dài 33 m); cầu số 11 (dài 66 m); cầu số 12 (dài 99 m); cầu số 13 (dài 99 m) và cầu Co Ró (dài 99 m).

Về tiến độ, dự kiến quý I/2024 dự án sẽ được phê duyệt dầu tư; quý II/2024 sẽ bắt đầu khởi công và giải phóng mặt bằng, thi công đến quý III/2028; quý IV/2028 sẽ hoàn thành dự án. Thời gian thi công dự kiến 4 năm. 

Tổng mức đầu tư của toàn tuyến là 1.930 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 102 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 1.464 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế 19 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 250 tỷ đồng.