ĐBSCL sẽ 'suy thoái và tan rã' nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang

Đó là một trong những nhận định của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) trước thông tin Lào đang rục rịch triển khai dự án thủy điện Luang Prabang.
avatar_1570721414569

Sông Mê Kông đoạn chảy qua Luang Prabang (Lào). (Ảnh: Liên minh Cứu sông Mê Kông)

Trong thông cáo báo chí mới phát đi hôm nay (10/10), Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Kông (MRC), ngày 31/7, Chính phủ Lào đã đệ trình bản mô tả chi tiết về dự án đập thủy điện Luang Prabang để chuẩn bị tham vấn. Hiện nay, trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào, 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang của Lào 30 km.

Trước thông tin trên, VRN cho rằng việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này. Nguồn nước sông Mê Kông trong những năm gần đây đã có biến động bất lợi đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Đây chính là hậu quả của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và việc xây dựng những con đập trên dòng chính. Việc xây dựng thêm nhiều đập trên dòng chính sẽ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Tổ chức này đánh giá dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Trong đó, suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng. Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư và khiến cho toàn vùng trở nên suy thoái, tan rã trước cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mê Kông.

Đáng chú ý, trong dự án xây dựng thủy điện Luang Prabang, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.

"ĐBSCL của Việt Nam đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn. Vì vậy, nếu Việt Nam tham gia vào đầu tư xây dựng đập Thủy điện Luang Prabang cũng góp phần gây nên tác động tiêu cực cho ĐBSCL, đẩy sinh kế người dân vào tình thế khó khăn hơn nữa trong bối cảnh khu vực này đang phải chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đề nghị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào" - VRN đề xuất.

Cũng chỉ cách đây vài ngày,  Liên minh cứu sông Mê Kông đã kêu gọi hủy bỏ lập tức đập này vì có thể gây thiệt hại to lớn cho dòng sông. Liên minh này cho rằng, việc khởi xướng tham vấn trước cho đập Luang Prabang đã bỏ qua các bằng chứng khoa học về các tác động tiêu cực và không thể đảo ngược mà các đập chính sẽ gây ra, với toàn lưu vực vốn từng được MRC và các tổ chức khác chỉ ra.

Nếu được xây dựng, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sông Mê Kông ở toàn bộ vùng bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe, năng suất của dòng sông. Điều này có nghĩa là nhiều lợi ích kinh tế và xã hội mà dòng sông mang lại sẽ bị mất và dòng sông sẽ trở thành kênh nước để phát điện, chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thủy điện.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.