Đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi ở kỳ họp bất thường

Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường tháng 1/2024 do lo ngại nhiều rủi ro, khó đảm bảo chất lượng.

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/12, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến diễn ra trong ba ngày, khai mạc vào 15/1/2024 và chia thành hai đợt.

Các cơ quan thiết kế đợt 1 (ngày 15 đến sáng 17/1/2024) các đại biểu nghe tờ trình, báo cáo, thảo luận về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đợt 2 diễn ra chiều 19/1/2024 để thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Tuy nhiên theo ông Cường, dự thảo luật Đất đai sửa đổi đến nay vẫn chưa hoàn thành dù các cơ quan đã nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý. Nguyên nhân là quá trình rà soát mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ để bảo đảm không xảy ra vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.

Khối lượng công việc hiện còn rất lớn. Sau khi kết thúc rà soát dự thảo Luật lần 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nêu ý kiến chính thức về nội dung tiếp thu, giải trình. Từ đó, các cơ quan hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 1/2024 và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Khi hoàn thành nội dung, Ủy ban Kinh tế phải chuyển dự thảo để Ủy ban Pháp luật rà soát về mặt kỹ thuật.

"Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024", ông Cường cho hay. 

 Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Media Quốc hội). 

Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc thông qua các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường vì hai luật này tác động trực tiếp, sâu rộng đến nền kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trong khi đó, thời gian diễn ra kỳ họp bất thường ngắn và các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cũng không còn nhiều thời gian phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dự án Luật.

"Chỉ trình thông qua các dự án Luật này khi đảm bảo chất lượng ở mức tối ưu nhất tại kỳ họp thứ 7, tháng 5 năm 2024", các Ủy ban đề nghị.

Chưa thông qua dự luật Đất đai thì 'không cần kỳ họp bất thường'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói nếu chưa xem xét thông qua hai dự án luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì không cần kỳ họp bất thường. Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu cơ bản hoàn thành Luật Đất đai trong năm nay, nên "tinh thần là phải quyết tâm thực hiện và có đủ cơ sở, điều kiện để nói quyết tâm".

"Phải phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức quyết liệt mới có thể đảm bảo vì thời gian không còn nhiều", ông nói, cho biết trong các ngày thứ tư và thứ năm tới đây, lãnh đạo Quốc hội tiếp tục làm việc với các cơ quan về hai dự án luật.

Ông đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ phải vận hành hết công suất, đi công tác địa phương hay nước ngoài "bất đắc dĩ mới đi và có đi cũng mang tài liệu đi mà làm, phải nghiên cứu hàng ngày, hàng giờ thì mới kịp".

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan quán triệt đúng Nghị quyết 18, nội dung ngoài nghị quyết hay còn ý kiến khác nhau thì có thể cho làm thí điểm. Những nội dung quan trọng khác có đề xuất mà chưa có hồ sơ thì không xem xét.

"Đến giờ nội dung nào không có tài liệu thì chịu. Những cái đã nằm trên bàn mà còn khó khăn huống hồ chưa có. Quyết sai một ly đi một dặm nên không có gì phải vội vàng", ông Huệ nói.

Trước đó, sáng 22/11, Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất. Hiện dự luật còn 14 vấn đề có hai phương án xin ý kiến Quốc hội, trong đó có nội dung Nhà nước thu hồi đất với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; Phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.