Đề nghị sớm di dời đường dây 220kV đoạn qua Ninh Thuận để làm cao tốc Bắc – Nam

UBND tỉnh Ninh Thuận đã gửi công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất lịch cắt điện để thực hiện đấu nối, hoàn thiện di dời đường dây 220kV đoạn giao chéo với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn huyện Bác Ái.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài khoảng 78,5 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Cụ thể, đoạn qua huyện Cam Lâm - Khánh Hòa dài hơn 5 km, qua huyện Tuy Phong - Bình Thuận dài trên 12 km đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng.

Đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh Ninh Thuận dài 61km đi qua địa phận 12 xã thuộc 5 huyện (Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam), với tổng diện tích đất cần thu hồi cho dự án cao tốc là hơn 4.452 ha, có 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận tính đến ngày 15/12, địa phương này đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng số hộ là 1.224/1.229 hộ (còn 5 hộ chưa phê duyệt thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn), đạt tỷ lệ 99,6%.

Ninh Thuận đề nghị Tập đoàn Điện lực sớm di dời đường dây 220kV để triển khai đoạn cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 1.

Tiến độ bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Bộ GTVT).

Đồng thời, đã tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường l1.187/1.224 hộ (còn lại 37 hộ chưa nhận tiền đền bù), đạt tỷ lệ 97%. Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí cho địa phương 133,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 105,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 78,8%.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Ninh Thuận đang vướng về lịch cắt điện để thực hiện đấu nối, hoàn thiện di dời đường dây 220kV đoạn giao chéo với tuyến đường cao tốc Bắc -Nam, đoạn qua địa bàn huyện Bác Ái.

Ngày 4/12, UBND tỉnh này đã có Công văn số 4356/UBND-KTTH đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Truyền tải điện 3 quan tâm, hỗ trợ, thống nhất lịch cắt điện để thực hiện đấu nối, hoàn thiện di dời đường dây 220kV đoạn giao chéo với tuyến đường cao tốc Bắc -Nam, đoạn qua địa bàn huyện Bác Ái.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất của các đơn vị trên. Để đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Truyền tải điện Ninh Thuận, Công ty Truyền tải điện 3, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia A0, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Miền trung A3 và Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái để thống nhất kế hoạch đăng ký cắt điện phục vụ công tác dựng cột, đấu nối và hoàn thiện việc di dời đường dây 220kV đoạn giao chéo với tuyến đường cao tốc Bắc -Nam.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) đến nay, hầu hết các công trình đang trong giai đoạn tổ chức thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự kiến đến hết tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc di dời.

Một số vị trí chờ hào kỹ thuật của đường cao tốc sẽ tiến hành thi công song song với đường cao tốc. Riêng một số công trình đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu như: di dời dường dây viễn thông của Lữ đoàn 132 thuộc huyện Thuận Bắc; di dời đường dây điện 0,4-22kV và di dời đường ống nước thuộc huyện Thuận Nam; di dời đường dây điện 0,4-22kV thuộc huyện Ninh Phước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.