Đây là một phần thông tin trong đề án định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa trình Bộ GTVT, theo Sài Gòn Giải Phóng.
Trước mắt sẽ thí điểm triển khai đối với Cảng hàng không Đồng Hới (2021 - 2025), sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục mở rộng ra các cảng hàng không còn lại gồm: Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị (2026 - 2030).
Cụ thể, Cục HKVN đề xuất áp dụng mô hình tương tự Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý khai thác toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ngoài 6 cảng nêu trên, các nhà đầu tư tư nhân cũng có thể tham gia đầu tư vào các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý.
Trong đó hình thức đầu tư tại nhiều công trình như dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không, suất ăn hàng không,... là nhà đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là 83.080 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 10.543 tỷ đồng (chiếm 13%); vốn doanh nghiệp của ACV là 57.033 tỷ đồng (chiếm 68%); vốn đầu tư các dự án xã hội hóa là 15.504 tỷ đồng (chiếm 19%).
Trong đề án định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa trình Bộ GTVT, thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không quy mô lên tới 141.535 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 và 130.478 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.