Đề xuất giảm sở hữu Nhà nước tại BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank

Theo Luật các tổ chức tín dụng, Nhà nước chỉ cần nắm trên 50% cổ phần, cổ phiếu có quyền biểu quyết là đủ để chi phối quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên tại 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank.

"Việc nhà nước nắm giữ lượng cổ phần lớn tại nhiều doanh nghiệp sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư"

Sau khi tiếp nhận các ý kiến đánh giá từ các Bộ, địa phương, doanh nghiệp về tình tình thực hiện Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo tờ trình, Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg dự kiến ban hành từ năm 2021.

Tại Nghị quyết số 73/QN-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hỗi đã đưa ra định hướng: "Tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động đầu tư từ xã hội, xác định sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lí nhằm thu hút đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất".

Tại kì họp thứ 9 ngày 17/6/2020, Quốc hội khoá XIV đã thông qua 2 luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư (có hiệu lực từ 1/1/2021). Trong đó khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp qui định "DNNN được tổ chức quản lí dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, bao gồm: i) DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; ii) DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để chuẩn bị cho tiến trình sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong giai đoạn tới, đảm bảo việc thống nhất các qui định mới, việc nghiên cứu, bổ sung tiêu chí, danh mục phân loại DNNN là cần thiết. 

Bên cạnh đó, sau 4 năm triển khai Quyết định số 58 đã phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, trong quá trình cổ phần hoá DNNN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, một số địa phương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mư, trình Thủ tướng Chính phủ qui định Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ vốn tại các DN sau này cổ phần hoá để đảm bảo nhiệm vụ công ích với chất lượng tốt hơn, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế khoá khăn, không thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thứ hai, thực tế Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần lớn tại các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì không có cơ hội nắm giữ lượng cổ phần đủ lớn để được tham gia vào quản lí và thay đổi quản trị DN. Từ đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh tiến trình thoái vốn tại các DNNN không cần nắm giữ vốn.

Do vậy, việc rà soát, xây dựng Tiêu chí phân loại thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại DNNN đầu tư vốn giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước, thay đổi được quản trị của DN.

Đề xuất giảm sở hữu Nhà nước tại BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank xuống dưới 65%

Cụ thể, đối với những doanh nghiệp trong những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn sẽ giữ nguyên bao gồm các ngành liên quan đến quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên (truyền tải điện, quản lí đường sắt, in đúc tiền, xổ số,…); bảo đảm trật tự an ninh toàn xã hội (nhà máy thuỷ điện, dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, tìm kiếm cứu nạn…).

Những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá do Nhà nước sở hữu 65% trở lên bao gồm 5 ngành, chủ yếu liên quan đến kết cấu hạ tầng quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước (cảng hàng không, cảng biển đặc biệt quan trọng); tài nguyên quốc gia (khai thác kháng sản qui mô lớn, dầu mỏ).

Với nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ trên 50% - 65% tổng số cổ phần bao gồm 9 ngành, nhóm ngành, chủ yếu trong lĩnh vực quan trọng, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế như sản xuất hoá chất, dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, thuốc lá điếu, tài chính, ngân hàng, lương thực, xăng dầu,…)

Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Quyết định lần này đó chính là việc chuyển ngành, lĩnh vực tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lí quĩ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính" từ nhóm DN Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên sang danh mục Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Lí do được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, tại Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đổi mới nâng cao hoạt động của DNNN, Chính phủ đã chỉ đạo: "Đối với các NHTM CP Nhà nước thì Nhà nước nắm cổ phần chi phối".

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, yêu cầu này phù hợp với Khoản 25 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng đã qui định: "Khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp bao gồm khoản đầu tư chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của một doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư khác đủ để chi phối quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên".

Dự thảo Quyết định sẽ được các Bộ và cơ quan ngang bộ, Uỷ Ban Quản lí vốn Nhà nước, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và một số cơ quan báo chí Nhà nước cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được gửi đi từ ngày 26/11/2020. Theo đó, các Bộ, địa phương, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí và cho ý kiến về tỉ lệ vốn Nhà nước cần nắm giữ kèm giải trình cụ thể trên cơ sở pháp lí hoặc thực tiển hoạt động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Do thời gian gấp, văn bản góp ý xin gửi về Cục phát triển Doanh nghiệp" trước ngày 8/12/2020 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp quá hạn mà không nhận được ý kiến, Kế hoạch và Đầu tư hiểu rằng các đơn vị đã thống nhất với các nội dung của Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Quyết định".

Trước đó, Chính phủ cũng từng cho biết sẽ xem xét giảm tỉ lệ nắm giữ của nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư khác, trong đó có 4 ngân hàng thương mại lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank) - chiếm hơn 50% nguồn cung tín dụng toàn ngành ngân hàng, sẽ giảm còn 65% sở hữu của Nhà nước vào năm 2025.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.