Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều

Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.

Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo các cơ quan nhanh chóng chuẩn bị điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn nửa năm so với quy định ban đầu. Trước đó, vào tháng 1, Quốc hội đã chính thức thông qua luật này gồm 16 chương và 260 điều. 

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. 

Luật mới quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm 2 nhóm đối tượng. 

Thứ nhất là cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Thứ hai là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Qua đó, đơn vị nhận định hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng và cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam. Dòng kiều hối theo đó sẽ đổ vào thị trường địa ốc.

Luật Đất đai 2024 có thể hiệu lực sớm từ ngày 1/7. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định chính sách trong nước đang có xu hướng cởi mở tích cực. Đây là cơ hội cực tốt để tiếp thu dòng vốn từ Việt kiều. Lưu ý rằng, so với tổng tài sản của khoảng 100 triệu dân trong nước thì 5 triệu Việt kiều ở nước ngoài sở hữu lượng tài sản bằng khoảng 40%. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đinh Lê Hạnh, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê Group từng chia sẻ tại một tọa đàm diễn ra hồi đầu năm rằng vốn kiều hối dành cho bất động sản là rất quan trọng, vì đó là dòng tiền nhàn rỗi do người lao động tích lũy và gửi từ nước ngoài về quê hương.

"Tôi cho rằng cần có giải pháp để Việt kiều yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ở nước sở tại, tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 1 - 2% thì sang Việt Nam là 5 - 8%, đây là yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Cùng với đó, phải làm sao để nhà đầu tư cảm thấy an toàn với kênh đầu tư bất động sản. Bất động sản là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân, chắc chắn ai có tiền cũng sẽ nghĩ đến việc đầu tiên là mua nhà", bà Hạnh nói. 

Dòng chảy kiều hối sẽ đổ về phân khúc nào? 

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. Còn theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

VARS thông tin 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lũy kế từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối chảy về cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ước tính mỗi năm có khoảng 25% lượng kiều hối được gửi vào thị trường địa ốc. 

Đơn vị đánh giá sự đổi mới của Luật Đất đai là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, mang tính tích cực. Lượng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang khát vốn.

Cụ thể, dòng vốn này sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm và lân cận, có thể khai thác vận hành cho thuê. Việc giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà nảy sinh tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu biệt thự cao cấp tại các thành phố lớn để ở; bất động sản du lịch để nghỉ dưỡng, cho thuê khi số lượng kiều bào muốn quay trở về Việt Nam dưỡng già, nghỉ hưu là rất lớn. Các sản phẩm được đánh giá là thanh khoản khó, kén khách này là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều.   

Các sản phẩm thanh khoản khó, kén khách là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).    

Trong bối cảnh đó, các chủ thể trên thị trường cần có hành động cụ thể để nắm bắt cơ hội. Ở phía cơ quan quản lý nhà nước, VARS kiến nghị tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác.

Đồng thời, thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với Việt kiều đầu tư vào bất động sản. Đảm bảo hệ thống thông tin, pháp luật liên quan đến bất động sản minh bạch, dễ hiểu, bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, bao gồm cả Việt kiều. 

Ở phía cộng đồng doanh nghiệp địa ốc, cần nghiên cứu, xây dựng các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn cao về thiết kế, chất lượng xây dựng và tiện ích,... Phác thảo rõ chân dung khách hàng, sử dụng các kênh truyền thông đa dạng để quảng bá dự án.

Hỗ trợ thủ tục pháp lý, thuế và các vấn đề liên quan đến việc mua bán, cho thuê bất động sản. Tìm kiếm, hợp tác với các đại lý bất động sản và môi giới có uy tín trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.