Đề xuất phát triển MobiFone, EVN và Viettel làm thí điểm doanh nghiệp dẫn dắt

Với dự thảo đề án này, MobiFone, EVN và Viettel sẽ là doanh nghiệp đại diện cho ba lĩnh vực có tính chất mũi nhọn gồm ngành năng lượng, viễn thông và công nghiệp quốc phòng tham gia thực hiện thí điểm phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) mới đây đã gửi tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.

Đề xuất chọn MobiFone, EVN và Viettel dẫn dắt các thành phần kinh tế khác

Dự thảo đề án tập trung đưa ra những giải pháp chung cho toàn bộ DNNN quy mô lớn, trong đó bao gồm các giải pháp phát triển DN dẫn dắt trong ba lĩnh vực lựa chọn có tính chất mũi nhọn là năng lượng, viễn thông và công nghiệp quốc phòng.

Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, Bộ KH-ĐT lựa chọn MobiFone là doanh nghiệp làm thí điểm bởi đây là doanh nghiệp có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trong ba doanh nghiệp viễn thông (MobiFone, Viettel, VNPT).

Bên cạnh đó, MobiFone còn là doanh nghiệp có công nghệ và hệ thống quản trị tốt do trước đây đã được kế thừa các kinh nghiệm quản trị của Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển) theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

Ngoài ra, định hướng đầu tư của MobiFone sẽ tập trung chuyển đổi số rất mạnh và xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tư nhân.

Đây là yếu tố thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đồng thời, cũng là điều kiện để hình thành chuỗi liên kết và thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dữ liệu data, dự thảo chỉ rõ.

Đề xuất chọn MobiFone, EVN và Viettel dẫn dắt ba lĩnh vực mũi nhọn - Ảnh 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được chọn là một trong những con "sếu đầu đàn" dẫn dắt tập đoàn năng lượng Nhà nước và tư nhân trong ngành.năng lượng. (Ảnh: TTXVN).

Đối với lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được chọn là một trong những con "sếu đầu đàn" bởi EVN có sản lượng điện sản xuất của tất cả các nhà máy điện thuộc EVN, chiếm tỷ trọng gần 50% sản lượng điện toàn quốc (trong đó sản lượng điện do các nhà máy điện EVN sở hữu 100% vốn chiếm 31%).

Đồng thời,  EVN có kinh nghiệm chuyên môn và thực tế đầu tư trong lĩnh vực điện, đặc biệt là năng lượng sạch.

Đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là cái tên thứ ba được lựa chọn để tham gia thí điểm bởi Tập đoàn Viettel là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.

Đề xuất chọn MobiFone, EVN và Viettel dẫn dắt ba lĩnh vực mũi nhọn - Ảnh 2.

Tòa nhà Viettel tại địa chỉ 285 Cách mạng tháng 8, Phường 12, Quận 10, TP HCM. (Ảnh chụp: Minh Hằng).

Song song đó, trong định hướng phát triển của mình, Viettel đang xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào ba mảng gồm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng. 

Ngoài ra, Viettel đang muốn nằm trong top 80 doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động quốc phòng cao trên thế giới từ nay đến năm 2025.

Những đề xuất để trở thành vai trò dẫn dắt

Theo Bộ KH-ĐT, giải pháp để MobiFone trong thời gian tới có vai trò dẫn dắt chính là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bao gồm việc bổ sung MobiFone vào danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối. 

Bên cạnh đó không được lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài cho MobiFone bởi việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không thực sự mang tính cấp thiết, mà cần bán đấu giá công khai để có nhiều nhà đầu tư tham gia, dự thảo nêu rõ.

Đối với EVN, Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập tổ hợp gồm SCIC (doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính) phối hợp với EVN (là đơn vị có chuyên môn) để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, có sự tham gia của PVN (do PVN là đơn vị có bộ dữ liệu về biển và các chuyên gia trong lĩnh vực này).

Bộ KH-ĐT còn đưa ra đề xuất nghiên cứu định hướng chuyển Trung tâm điều độ thuộc EVN về Bộ Công Thương quản lý để thực hiện cổ phần hóa EVN trong thời gian tới. Điều này giúp đảm bảo huy động nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt, đề án còn kiến nghị nghiên cứu bổ sung hình thức (thí điểm) thuê quản lý vận hành cụm nhà máy điện của EVN theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 21.

Với trường hợp của Viettel, cơ quan chức năng đề xuất cơ chế cho Viettel nghiên cứu hình thành quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (trích thêm 20% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp quốc phòng an ninh để hình thành quỹ).

Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất nghiên cứu hình thành quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel với mục đích tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa đi kèm với phát triển nhân lực chất lượng cao.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.