Đề xuất quy hoạch Hạ Long thành 5 cực phát triển, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối

Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, đô thị Hạ Long sẽ gồm 5 cực phát triển: Vịnh Hạ Long; Vùng phía đông; Vùng phía tây và Vùng phía bắc Vịnh Cửa Lục; Khu vực đồi núi phía bắc; một hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

 Một góc TP Hạ Long. (Ảnh: Bộ Xây Dựng)

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì hội nghị Thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây Dựng.

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, trước khi huyện Hoành Bồ sáp nhập, TP Hạ Long được quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Còn khu vực huyện Hoành Bồ được quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực phía Nam huyện Hoành Bồ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi sáp nhập, TP Hạ Long mới đã có thêm định hướng phát triển mới, đồng thời cần giải quyết những mâu thuẫn giữa hai đồ án quy hoạch hoạch nói trên.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 sẽ hướng đến phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, đồng bộ với bảo tồn và phát triển di sản Vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Cùng với đó, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối theo hướng đa cực, tăng sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế cho Hạ Long. Quy hoạch còn phát triển các loại hình vận tải công cộng, dịch vụ cảng biển, logistics; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ phát triển rừng và cảnh quan thiên nhiên.

Phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính TP Hà Long với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.121 km2 và diện tích mặt biển khoảng 402 km2.

Phía bắc TP Hạ Long giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang); phía nam giáp vịnh Hạ Long; phía đông giáp TP Cẩm Phả; phía tây giáp thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí. Thời hạn quy hoạch, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040, tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050.

Đồ án đưa ra mô hình cấu trúc phát triển của đô thị Hạ Long gồm 5 cực phát triển: Vịnh Hạ Long; Vùng phía đông; Vùng phía tây và Vùng phía bắc Vịnh Cửa Lục; Khu vực đồi núi phía bắc; một hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối; phân khu mặt nước khoảng 1.687 ha.

Về định hướng phát triển không gian, Đồ án xác định hướng phát triển không gian TP Hạ Long cần tiếp tục phát triển cấu trúc phân tầng theo chiều ngang như công nghiệp - vùng đệm - dân cư và du lịch - biển.

Đối với các dự án lấn biển cần sử dụng cấu trúc mở, tạo nhiều khoảng thoáng để yếu tố biển vào sâu trong đất liền; phát triển đô thị ven vịnh, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long làm trọng tâm để Quy hoạch phát triển các khu chức năng thành phố, xây dựng hoàn thiện trở thành trung tâm dịch vụ du lịch quốc tế.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí với nội dung Đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp địa phương và tư vấn bổ sung, hoàn thiện Đồ án.

Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng TP Hạ Long, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh và đơn vị tự vấn rà soát ranh giới, phạm vi lập quy hoạch để thống nhất số liệu liên quan đến đơn vị hành chính, diện tích mặt biển.

Cùng với đó, bổ sung đánh giá giá trị tài nguyên thiên nhiên, du lịch ở Hoành Bồ; đánh giá kỹ hơn hiện trạng sử dụng đất, đặc biệt là đất ở, đất lâm nghiệp, các tiêu chí đô thị loại I.

Về định hướng phát triển không gian, tỉnh Quảng Ninh cần xác định rõ định hướng không gian phát triển trung tâm; bổ sung giải pháp phát triển các công trình thể dục thể thao, cây xanh, công viên; quan tâm đến sản phẩm du lịch có tính đặc thù; hạn chế can thiệp, tác động rừng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.