Dẹp 'loạn' báo cáo, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện nay, chế độ báo cáo hành chính của nước ta còn rất nặng nề. Để góp phần tiết kiệm tối đa nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đang tính đến giải pháp cắt giảm tối thiểu 15-20% số lượng báo cáo và tần suất báo cáo trong cơ quan hành chính Nhà nước.
dep loan bao cao tiet kiem hang tram ty dong
Thay đổi phương thức báo cáo, có thể tiết kiệm được trên 199 tỷ đồng/năm.

Một năm, phải làm 2.262 báo cáo

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chế độ báo cáo hành chính trong việc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, số lượng báo cáo quá nhiều và thiếu thống nhất đang khiến chế độ báo cáo hành chính trở nên kém hiệu quả và tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Theo các chuyên gia của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phản ánh, hàng năm, các cơ quan này phải thực hiện rất nhiều loại báo cáo, từ báo cáo tuần, quý, tháng, năm đến báo cáo đột xuất khác trong năm. Khối lượng báo cáo quá nhiều, tạo ra sức ép về thời gian, sức lao động cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Đánh giá về chất lượng của báo cáo hành chính, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng, công tác báo cáo hành chính đang diễn ra tùy tiện, thiếu ổn định và thống nhất. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015, tính trung bình mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo, trong đó nhiều nhất là Bộ GTVT thực hiện 2.262 báo cáo. Đối với địa phương, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo, cấp huyện 534 báo cáo, cấp xã 138 báo cáo. Trung bình hoàn thành một báo cáo cần từ 2-3 ngày làm việc, để hoàn thành được số lượng báo cáo của năm 2015 cần tới hơn 6 triệu ngày làm việc.

Khối lượng báo cáo quá nhiều, chiếm phần lớn thời gian thực hiện nhiệm vụ, từ đó làm giảm sút hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Theo ông Ngô Hải Phan, đây chính là tiền đề của tình trạng thiếu đồng bộ, không tương thích về số liệu trong các báo cáo hành chính. Bên cạnh đó, việc in ấn báo cáo cũng tốn một khoản không nhỏ. Thông thường, một bản báo cáo 6 tháng được thực hiện trên khoảng 10 tờ giấy A4, báo cáo chuyên đề khoảng 2-3 tờ giấy A4. Trung bình một tháng, mỗi cơ quan, đơn vị cấp sở sử dụng khoảng 1.000 tờ giấy A4 để in các loại báo cáo.

Cần hệ thống thông tin báo cáo quốc gia

Để bảo đảm có nguồn thông tin nhanh, chính xác, đồng thời giảm tải gánh nặng báo cáo, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Dự kiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ chia làm hai giai đoạn. Trước mắt, từ giữa năm 2017 trở đi, các cơ quan, đơn vị sẽ thực hiện thay đổi phương thức yêu cầu báo cáo, gửi - nhận báo cáo từ bản giấy sang báo cáo điện tử. Cách làm này sẽ giúp tiết kiệm được các khoản chi phí văn phòng phẩm, cước phí bưu chính, rút ngắn thời gian xây dựng báo cáo. Ước tính, với 70% đơn vị thực hiện chuyển đổi phương thức, số tiền tiết kiệm được khoảng trên 199 tỷ đồng/năm.

Thực tế cho thấy, muốn hiện đại hóa nền hành chính, ngoài việc ứng dụng thông tin, cũng cần định ra tiêu chí thống nhất về nội dung báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo, đầu mối xây dựng, tổng hợp báo cáo; loại bỏ nội dung không thực sự cần thiết, không phù hợp với mục tiêu quản lý. Nói về vấn đề này, ông Ngô Hải Phan khẳng định, trong quá trình triển khai đề án, Bộ Tư pháp đã tính đến việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để xây dựng cơ chế thực hiện báo cáo một cách thống nhất. Khi thiết lập xong hệ thống này, toàn bộ báo cáo hành chính sẽ được thực hiện trên cơ sở đồng bộ; việc chia sẻ thông tin, phát hiện sai lệch số liệu cũng sẽ đơn giản hơn. Tổng lợi ích đem lại khi thực hiện giải pháp đơn giản hóa chế độ báo cáo không còn ở mức 199 tỷ đồng/năm mà có thể đạt 725 tỷ đồng/năm.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".