Thị trường tài chính toàn cầu bị đe dọa bởi chênh lệch giàu nghèo và thương chiến Mỹ - Trung. (Ảnh: CNBC).
Mặc dù giá cổ phiếu đang ở mức cao kỉ lục khi kết thúc năm, nhưng Phố Wall đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo về một loạt các mối đe dọa đối với thị trường vào năm 2020.
Đứng đầu trong danh sách này là các mối quan tâm về sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đang kêu gọi thu thêm thuế của những người giàu nhất nước Mỹ, để thu hẹp khoảng cách.
"Chiến tranh thương mại là những rủi ro ngắn hạn, có thể sớm kết thúc trong năm nay, trong khi bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng lại là một nguy cơ dài hạn", Torsten Slok trao đổi với phóng viên CNBC.
Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây, khi cả hai bên đều đang nỗ lực để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tạm thời. Tuy nhiên, thị trường vẫn phải đối mặt với những rủi ro không chắc chắn.
Tổng Thống Trump tuần qua đã khẳng định rằng, ông chưa đồng ý đẩy lùi thuế quan với Trung Quốc. Thông tin này đã làm giảm hi vọng của các nhà đầu tư về một bản thỏa thuận sớm được kí kết.
Chính quyền Trump đã áp thuế lên 500 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi con số phía Bắc Kinh là 110 tỉ USD. Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ gỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận thương mại tạm thời.
Deutsche Bank lo ngại rằng sự không chắc chắn của cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục đè nặng lên các công ty.
"Điểm mấu chốt là các nhà đầu tư cần tính đến khả năng môi trường chi tiêu tiêu dùng và đầu tư có thể thay đổi, phụ thuộc vào việc những chính sách có thể hoặc không thể thực hiện trong những năm tới", ông Slok chia sẻ.
"Chính sách công và bất kì sự thay đổi nào của nó cũng sẽ là một yếu tố quan trọng trong mọi quyết định đầu tư", ông nói thêm.
Dưới đây là danh sách 20 rủi ro lớn nhất đối với thị trường tài chính thế giới trong năm 2020 mà Deutsche Bank đưa ra:
1. Tiếp tục gia tăng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập và y tế
2. Thỏa thuận thương mại tạm thời vẫn chưa được kí kết, và tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường.
3. Những rủi ro của chiến tranh thương mại tiếp tục đè nặng lên quyết định đầu tư của các công ty.
4. Tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản khiến đồng Đô la tăng giá.
5. Các cuộc điều tra luận tội và việc chính phủ Mỹ có thể đóng cửa.
6. Cuộc bầu cử Mỹ có thể tác động đến thuế, những quy định và chi tiêu công.
7. Chống độc quyền, quyền riêng tư và quy định công nghệ
8. Các nhà đầu tư nước ngoài không còn bị thu hút bởi trái phiếu chính phủ và các công cụ nợ của Mỹ, sau cuộc bầu cử Tổng thống.
9. Nới lỏng tài khóa thúc đẩy tăng trưởng đáng kể ở Mỹ hoặc châu Âu.
10. Mức nợ công của chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu có những tác động lên lãi suất dài hạn.
11. Chênh lệch cung cầu trong tín phiếu khiến lãi suất mà Ngân hàng Trung ương Mỹ cho các ngân hàng Thương mại vay tăng đột biến.
12. Fed cắt giảm lãi suất trong năm bầu cử.
13. Chính sách tín dụng thắt chặt làm gia tăng sự chênh lệch lợi suất dành cho trái phiếu được phát hành bởi công ty xếp hạng tín nhiệm CCC với các công ty hạng BBB.
14. Chính sách thắt chặt tín dụng làm gia tăng chênh lệch lãi suất đi vay của các cá nhân xếp hạng CCC hoặc BBB trong tín dụng tiêu dùng.
15. Nhiều công ty bị hạ tín nhiệm xuống BBB hoặc xuống mức thấp hơn.
16. Chính sách lãi suất âm khiến các nhà đầu tư toàn cầu bị thu hút bởi công cụ nợ của Mỹ.
17. Lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, các công ty không có đủ tiền mặt để mua lại cổ phiếu hay trái phiếu.
18. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu bị thu hẹp, gây rủi ro cho thị trường và nền kinh tế.
19. Khủng hoảng giá nhà ở Úc, Canada và Thụy Điển.
20. Những rủi ro của Brexit