TP HCM có thể thành trung tâm tài chính thế giới

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, TP HCM đang sở hữu cơ hội "có một không hai" thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM sáng 18/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phân tích về khả năng TP HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính. 

Theo ông, diễn biến bất lợi về chính trị đang làm lung lay vị trí của những trung tâm tài chính lớn của thế giới như Hong Kong, London. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế là tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm tài chính mới để hưởng nhiều ưu đãi.

"Tôi lấy ví dụ như nguồn vốn, nhân sự chất lượng cao đang dịch chuyển từ London sang Frankfurt sau kế hoạch Brexit của Anh. Điều này khiến giá trị thị trường chứng khoán, bất động sản ở đây tăng vọt. TP HCM cần tận dụng cơ hội tương tự bởi nếu bỏ lỡ một chút sẽ mất ngay", ông Dũng nói.

TP HCM có thể thành trung tâm tài chính thế giới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện sáng 18/10. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phân tích nhiều lợi thế khác của TP HCM, như vị trí chiến lược khi nằm giữa hai khu vực kinh tế sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á, múi giờ không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, sân bay Long Thành dự kiến triển khai và Tân Sơn Nhất được mở rộng, thị trường chứng khoán sôi động với nhiều sản phẩm mới....

Tuy nhiên, theo ông Dũng, yếu tố thành công của đề án thành trung tâm tài chính là vấn đề thể chế. TP HCM cần được hưởng những cơ chế đặc thù, vượt trội hoàn toàn so với các địa phương khác và có thể cạnh tranh được các trung tâm tài chính trong khu vực.

Đồng quan điểm nay, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua ở mức cao nhưng TP HCM vẫn có xuất phát điểm thấp trong "cuộc đua" với các thành phố khác. TP HCM hiện mới đứng thứ 55 về thu hút thương mại và 128 về quy mô kinh tế của các thành phố trên thế giới.

"TP HCM chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cả nước, đóng góp một phần tư thu ngân sách, vốn huy động, dư nợ cho vay... nhưng tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm khiến địa phương không còn động lực phát triển. Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia và chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. Đồng Việt Nam cũng chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa", ông Vũ Thành Tự Anh nêu.

Theo ông Anh, mục tiêu TP HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế có khoảng 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi Thượng Hải bắt đầu sau nhưng đã sớm về đích. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là làm thế nào để thành phố có tên trong bản đồ xếp hạng trung tâm tài chính. 

Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như những năm qua, chuyên gia này dự báo, TP HCM có thể bằng hoặc vượt trung tâm tài chính Đài Bắc trong vòng 15-20 năm nữa.

Phát biểu tại diễn đàn sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định TP HCM đã là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước, nhưng muốn vươn ra khu vực và thế giới thì cần nhiều sự hợp sức và chính sách hỗ trợ từ các bộ ngành. Đề án chính thức dự kiến được TP HCM trình Chính phủ vào quý II/2020, trùng với thời điểm tổng kết và phê duyệt nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố.


chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.