3 tiêu chí xếp hạng của Việt Nam khá... chung chung
Ngày 6/9, 6 chuyên gia Việt Nam đến từ các trường đại học ở Anh, Australia và Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016 - 2017.
Theo nhóm nghiên cứu này, họ đã thu thập tư liệu 100 trường ĐH ở Việt Nam (trừ các trường khối công an, quân đội...). Sau đó, giữ lại 49 trường đầy đủ thông tin nhất để đánh giá, xếp hạng.
Ba tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
Tiêu chí nhóm nghiên cứu đưa ra. Ảnh Tuổi Trẻ |
TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia, chủ biên báo cáo xếp hạng cho rằng, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được. Thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, sau khi công bố bảng xếp hạng này, nhiều người "giật mình" bởi một số trường lớn, nổi tiếng bây lâu nay lại đứng sau các trường "ít tên tuổi hơn". Đại học Quốc gia Hà Nội, đứng thứ Nhất trong bẳng tổng thể lại xếp sau Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở hạng mục Nghiên cứu khoa học (chiếm 40% tổng điểm đánh giá).
Cách đánh giá của Mỹ
Nhà báo Vĩnh Khang từng nhận học bổng Fulbright 2015 - 2016, nghiên cứu thạc sĩ ngành Báo chí tại Mỹ nhận xét, nhìn bảng xếp hạng các trường ở Việt Nam thì thấy, các trường có tên trong bảng này thiếu tính tương đồng.
Vĩnh Khang học tại Newhouse School and Public Communication (Syracuse University, New York, Mỹ). Đây là trường được xếp hạng thứ tư trong danh sách các trường đào tạo Báo chí tốt nhất nước Mỹ năm 2015. |
"Ở Mỹ, người ta có bảng xếp hạng Đại học, Học viện chung vì bản thân các trường đó là trường tổng hợp, có nhiều trường thành viên trong đó như Luật, Báo chí, Tự nhiên, Kinh tế..., tương tự như ĐH Quốc gia hay ĐH Đà Nẵng ở Việt Nam vây. Ở điểm này, điểm tương đồng chung chính là các trường đều là trường ĐH tổng hợp. Ngoài ra, Mỹ còn có các bảng xếp hạng các trường Báo chí riêng, trường Kinh tế riêng..., thậm chí còn có cả bảng xếp hạng các Khoa, ngành học...", nhà báo Vĩnh Khang nói.
"Nhìn vào bảng xếp hạng Việt Nam, sẽ thấy độ vênh rõ rệt, ví dụ như ĐH Y và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nêú xét về điểm thi đầu vào, điểm thi khối B và khối C,D rõ ràng là ít có sự tương đồng" - Vĩnh Khang nói.
Ở Mỹ, có nhiều bảng ranking về trường Đại học, nhưng bảng đánh giá của US News được nhiều người tin tưởng hơn cả. US News đánh giá các trường Đại học của Mỹ dựa trên những tiêu chí khá thực tế và chi tiết như sau:
1. Acceptance rate: Tỉ lệ sinh viên được nhận vào trường trên tổng số học sinh applied. Trường nào có tỉ lệ nhận vào thấp, thì trường đó có sự chọn lọc cao và nhận được điểm xếp hạng cao.
2. Tỉ lệ cựu sinh viên đóng góp cho trường: Trường nào có tỉ lệ cựu sinh viên donate tiền hoặc tài trợ cho trường cao sẽ nhận được số điểm cao. Tại sao có tiêu chí này? Bởi cựu sinh viên quay lại đóng góp cho trường, điều đó có nghĩa, ngôi trường này có tỉ lệ cựu sinh viên hài lòng với ngôi trường đó cao.
3. Tỉ lệ trung bình sinh viên tốt nghiệp: Ở Mỹ thì "vào" được trường Đại học chưa chắc đã "ra" được.
4. Tỉ lệ sinh viên năm nhất quay lại học năm 2: Sau 1 năm học, nhiều sinh viên có thể nghỉ hoặc sang học các trường khác. Nếu tỉ lệ sinh viên năm 1 tiếp tục theo học năm thứ 2 cao, thì đó cũng là 1 tiêu chí xếp hạng.
5. Số sinh viên/1 lớp (Class size): Mỗi lớp ít hơn 20 học sinh có điểm cao nhất. Trường có trên 50 học sinh/1 lớp không nhận được điểm nào.
6. Số lượng Giáo sư, Tiến sĩ cơ hữu: Trường có tỉ lệ này càng cao, nhận được điểm cao.
7. Số sinh viên tốt nghiệp từ các trường cấp 3 danh giá: Trường nào có số lượng sinh viên đến từ các trường cấp 3 danh giá sẽ nhận được điểm số tốt.
8. Điểm SAT/ACT: Số lượng sinh viên có điểm số SAT/ACT cao, dĩ nhiên có điểm xếp hạng cao. (Ở điểm này, có thể xem như giống điểm tuyển sinh).
9. Đánh giá từ trường bạn: Hàng năm, trường bạn sẽ có phiếu survey và họ sẽ đánh giá các trường khác. Dựa vào survey, các trường có điểm cao là những trường có đánh giá tốt từ trường bạn.
Ngoài ra, các tiêu chí khác bắt buộc phải có như research (nghiên cứu), hỗ trợ tài chính cho sinh viên, cơ sở vật chất... Nhưng nhìn chung là có nhiều tiêu chí rõ ràng và khác xa với cách xếp hạng các trường Đại học tại Việt Nam.
6 thành viên chính tham gia dự án gồm: GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Australia), GS Lê Văn Cường (Đại học Paris 1, Pháp) đã cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo. |