Dịch bệnh trong nước mới lắng xuống, Trung Quốc lại phải lo làn sóng Hoa kiều từ ổ dịch châu Âu ào ạt về nước

Du học sinh và Hoa kiều lũ lượt bay từ ổ dịch châu Âu về nước khiến Trung Quốc chưa kịp thở phào nhẹ nhõm đã phải lo kiểm soát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai.

Trung Quốc chưa thể vội vui mừng

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đại lục hôm nay (19/3) lần đầu tiên thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nước.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm nay cũng là lần đầu tiên tỉnh Hồ Bắc không báo cáo ca nhiễm mới nào cả trong lẫn ngoài nước. Trên toàn Trung Quốc đại lục, chỉ có 34 ca nhiễm mới và toàn bộ đều "nhập khẩu" từ nước ngoài về.

South China Morning Post đưa tin số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục hôm nay đã giảm xuống còn một con số (8 người), nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 3.245 người.

Chưa tận hưởng niềm vui bao nhiêu, Trung Quốc lại phải lo lắng vì làn sóng Hoa kiều từ ổ dịch châu Âu lũ lượt về nước - Ảnh 1.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đại lục giảm mạnh, chủ yếu là các ca bệnh "nhập khẩu" từ nước ngoài về. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tuy nhiên, du học sinh Trung Quốc đang lũ lượt từ ổ dịch châu Âu trở về quê nhà vì tin tưởng Trung Quốc giờ đây đã an toàn hơn.

Theo Nikkei Asian Review, đối với các đô thị như Bắc Kinh, làn sóng du học sinh trở về nước có thể thổi bùng lên đợt dịch Covid-19 thứ hai, khi mà họ chủ yếu xuất phát từ các quốc gia đã ghi nhận hàng loạt ca nhiễm Covid-19.

Ngay khi trận chiến chống lại kẻ thù vô hình này dường như đã lắng dịu và mang đến cho Trung Quốc một tia hi vọng, làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ hai lại đe dọa xóa bỏ những thành công mà chính phủ Trung Quốc phải rất khó khăn mới đạt được.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, phản ứng với các du học sinh rất khắc nghiệt. Một người dùng mạng viết: "Ban đầu họ rời đất nước vì thích nước ngoài hơn. Giờ đừng có mang virus quay về Trung Quốc!"

"Họ là những đứa trẻ nhà giàu hư hỏng và tháo chạy khi gặp khó khăn", một người khác bình luận.

Lo sợ làn sóng lây lan thứ hai, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một thông báo gây xôn xao dư luận rằng toàn bộ du khách nước ngoài đến thủ đô Trung Quốc sẽ phải cách li bắt buộc trong 14 ngày tại "các trung tâm quan sát tập trung" do giới chức chỉ định.

Lệnh cách li bắt buộc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/3, cũng áp dụng đối với Hoa kiều. Du khách sẽ được cách li bất kể có triệu chứng nhiễm Covid-19 hay không, và toàn bộ chi phí ăn ở sẽ do chính họ thanh toán.

Mục đích của lệnh cách li bắt buộc là nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19. Từ tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), dịch Covid-19 hiện đã lây lan đến gần 170 quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Số lượng ca nhiễm "nhập khẩu" từ nước ngoài tại Trung Quốc đã gia tăng trong vài ngày gần đây. Theo số liệu mà chính phủ Trung Quốc công bố hôm 17/3, tổng số ca nhiễm "nhập khẩu" tại Trung Quốc đại lục đã đạt 143, riêng Bắc Kinh chiếm 40 ca.

Số ca nhiễm này thổi bùng lên lo lắng rằng một vết nứt nhỏ cũng có thể đánh chìm một con tàu lớn.

Nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại thông qua dòng Hoa kiều từ nước ngoài trở về, tất cả lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt từng được áp dụng tại Trung Quốc sẽ trở nên vô nghĩa.

Thành công có được từ "cuộc chiến của con người với virus corona" như Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần đề cập có thể tan thành tro bụi.

Ông Chung Nam Sơn - bác sĩ y khoa 83 tuổi chuyên về các bệnh đường hô hấp và được mệnh danh là anh hùng dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch SARS năm 2003, đang dẫn đầu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Chung Nam Sơn đã có một quan sát thú vị về mối đe dọa mà Trung Quốc gặp phải trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.

Lưu ý rằng tình hình thực tế tại Hồ Bắc hồi tháng 1 năm nay còn tồi tệ hơn nhiều so với báo chí đưa tin, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Chung cho biết "trì hoãn kiểm soát dịch trong 5 ngày đã khiến số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng gấp ba lần".

Chưa tận hưởng niềm vui bao nhiêu, Trung Quốc lại phải lo lắng vì làn sóng Hoa kiều từ ổ dịch châu Âu lũ lượt về nước - Ảnh 2.

Làn sóng du học sinh và Hoa kiều trở về nước có thể khiến nỗ lực dập dịch của Trung Quốc tan thành tro bụi. (Ảnh: AP)

Nikkei dẫn lời nhóm nghiên cứu nói thêm, "nếu chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát tình hình ở Vũ Hán, đỉnh dịch thứ hai tại tỉnh Hồ Bắc sẽ xuất hiện vào giữa tháng 3 và kéo dài cho đến cuối tháng 4".

Cuộc chạy đua với thời gian

Chính phủ Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1, tạm dừng toàn bộ phương tiện giao thông công cộng ra vào thành phố này. Ngày hôm sau, Bắc Kinh ban hành lệnh hạn chế di chuyển theo nhóm trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một sai lầm có thể gây ra hậu quả khôn lường: Trung Quốc không ban bố lệnh tạm ngừng hoạt động du lịch ra nước ngoài cho đến ngày 27/1, tức ba ngày sau.

Nhìn lại, Nikkei nhận định đó là một sai lầm đau đớn. Chuyện gì đã xảy ra trong ba ngày quan trọng này?

Kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 24/1, trong khi đỉnh điểm của hoạt động du lịch nước ngoài kéo dài đến ngày 27/1.

Chính phủ Trung Quốc đã cho phép vô số người dân tràn ra nước ngoài theo nhóm, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế. Đến nay Bắc Kinh chưa có lời giải thích nào về sự việc.

Du khách Trung Quốc lần lượt nối đuôi nhau di chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Australia, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Có thông tin cho hay một khi đã ra nước ngoài, nhiều người Trung Quốc cố kéo dài kỉ nghỉ càng lâu càng tốt để tránh phải về nước.

Số ca nhiễm tăng dần tại các điểm du lịch lúc đó đang là mùa đông, chẳng hạn như Hokkaido của Nhật Bản. Ở một số điểm đến khác như Thái Lan, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng mạnh trong vài ngày gần đây.

Hoa kiều lũ lượt từ châu Âu về nước, con tàu Trung Quốc có thể chìm?

Như dự đoán của bác sĩ Chung Nam Sơn, dịch Covid-19 đã lây lan cho nhiều người dân trên khắp thế giới. Lúc này, làn sóng lây lan thứ hai mà nhóm nghiên cứu của ông cảnh báo đang xảy ra.

Sau khi làn sóng lây nhiễm đầu tiên tấn công Trung Quốc, dịch Covid-19 đang bùng phát đợt thứ hai trên khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Âu. Số ca tử vong tại Italy, nơi nhiều Hoa kiều hiện đang sinh sống, đã vượt ngưỡng 2.100 người.

Theo Nikkei, việc chính phủ Trung Quốc chậm trễ trong vấn đề cấm người dân du lịch ra nước ngoài theo nhóm có thể đã khiến số ca nhiễm tăng gấp đôi hoặc gấp ba.

Giới chức Trung Quốc đang phải bận rộn đối phó với số ca nhiễm Covid-19 mới từ nước ngoài trở về. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả dòng Hoa kiều về nước là "rủi ro chính" mà đất nước tỉ dân đang phải đối mặt.

Để tiếp nhận lượng du khách nhập cảnh vào Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã mở lại Bệnh viện Tiểu Thang Sơn. Nếu du khách từ nước ngoài đến Bắc Kinh cho kết quả dương tính với Covid-19 trong 14 ngày cách li bắt buộc, họ sẽ được chuyển đến bệnh viện này.

Bệnh viện Tiểu Thang Sơn nằm cách xa khu vực trung tâm của Bắc Kinh. Bệnh viện bị bỏ hoang sau đại dịch SARS năm 2003 và được cải tạo lại vào cuối tháng 1 năm nay để chuẩn bị cho kịch bản số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại thủ đô Trung Quốc.

Việc mở cửa trở lại bệnh viện Tiểu Thang Sơn cho thấy Bắc Kinh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác.

Lệnh cách li bắt buộc 14 ngày có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh. Doanh nhân ngoại quốc có thể sẽ sợ hãi, khiến Trung Quốc khó thu hút đầu tư nước ngoài và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Hiện tại, dịch Covid-19 đã giáng một đòn đau vào nền kinh tế Trung Quốc. Các số liệu kinh tế quan trọng trong hai tháng đầu năm nay, bao gồm sản lượng công nghiệp, đều ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu khảo sát. GDP quí I/2020 nhiều khả năng cũng sẽ giảm.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.