Trung Quốc đạt được một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia nước này, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hồ Bắc - nơi xuất hiện dịch bệnh này - không ghi nhận trường hợp mắc mới nào bao gồm cả người Trung Quốc và người nước ngoài. Trên toàn Trung Quốc, có thêm 34 ca có nguồn gốc từ nước ngoài nhiễm bệnh mới.
Số ca tử vong mới đã giảm xuống còn một con số, với 8 người tử vong, nâng tổng số người chết tại Trung Quốc lên 3.245. Cơ quan này cho biết, ngày 19/3 cũng ghi nhận thêm 23 trường hợp nghi nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc là 80.928, trong đó có 70.420 bệnh nhân đã hồi phục.
Trên thế giới, số ca nhiễm dịch tiếp tục gia tăng. Italy ghi nhận 3.526 trường hợp mới qua đêm, Đức với 4.070 ca và Tây Ban Nha là 4.719 ca. Mỹ có thêm 1.875 bệnh nhân mới.
Các chuyên gia y tế ở cả Trung Quốc và nước ngoài cũng đã đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có che đạy được dịch bệnh hay không - đặc biệt là ở giai đoạn đầu - sau khi ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc được bắt nguồn từ tháng 11, trong khi các bác sĩ Trung Quốc chỉ nhận ra họ đang đối phó với dịch bệnh mới vào cuối tháng 12. Mặc dù số ca nhiễm đã giảm, các chuyên gia ở về bệnh truyền nhiễm ở đây vẫn kêu gọi người dân thận trọng.
Zhong Nanshan, một nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nhận định, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì dịch Covid-19 sẽ không thể dập tắt:
"Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia nên áp dụng các biện pháp dựa trên cơ chế can thiệp do Trung Quốc làm đầu tiên. Kiểm soát từ nơi khởi phát là một phương pháp cổ nhưng hiệu quả", ông Zhong nói trong một cuộc họp báo vào thứ Tư.
Các điểm cốt lõi là 'bốn sớm': phòng ngừa sớm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và kiểm dịch sớm.
Số lượng người tử vong trên toàn cầu vì dịch bệnh chết người này đã lên tới 8.000 ca, hầu hết là từ Trung Quốc. Hơn 200.000 người đã bị nhiễm virus trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, tâm chấn của đại dịch hiện đã chuyển sang châu Âu khi số lượng các ca nhiễm ở Italy, Tây Ban Nha tăng mạnh.