Ngày 27/7, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Ngoại thương Nguyễn Thu Hương cho biết, điểm chuẩn vào trường năm nay dự kiến tăng so với năm 2016 do lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường tăng gấp đôi, phổ điểm thi cũng cao hơn. Theo thống kê sơ bộ, số hồ sơ đăng ký vào trường hơn 14.000, trong khi chỉ tiêu là 3.750, gồm 2.850 ở cơ sở miền Bắc và 900 miền Nam.
"Xu hướng tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả ngành, tổ hợp xét tuyển", bà Hương nói. Năm 2016, điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội thấp nhất là 23,45 (tổ hợp D02), cao nhất là 26,45 (tổ hợp A00). Tại cơ sở TP HCM, mức điểm chuẩn thấp nhất là 24,5 (tổ hợp D01, A01) và cao nhất là 26,5 (tổ hợp A00).
Điểm chuẩn vào các đại học ở Hà Nội dự kiến tăng. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang |
Đại học Y Hà Nội tính đến chiều 26/7 có hơn 600 hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào ngành Bác sĩ đa khoa, không thay đổi nhiều so với số đăng ký từ trước. 450 trường hợp là nguyện vọng 1. Các thí sinh này đều đạt trên 29,25 điểm ở các tổ hợp xét tuyển.
Phó phòng Quản lý Đào tạo Đại học Y Hà Nội Lê Đình Tùng trước đó từng dự đoán, điểm chuẩn vào Y đa khoa năm 2017 có thể nhích lên và không thể thấp hơn năm trước là 27 điểm. Đại học Y Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu Bác sĩ đa khoa với tổ hợp xét tuyển khối B.
Đại học Kinh tế quốc dân có 27.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, cao gấp 5,6 lần chỉ tiêu (4.800). Một đại diện của trường cho biết, điểm chuẩn có thể tăng 2,5 so với năm 2016. Việc tăng điểm diễn ra ở tất cả ngành, trong đó ngành hot có thể cao hơn 1 điểm là 26,5; các ngành tốp giữa tăng 1-1,5.
Sau đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, nhiều thí sinh rút khỏi ngành hot của Đại học Bách khoa Hà Nội vì không đạt mức sàn 24 điểm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển vào các ngành tốp đầu này gồm: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử viễn thông..., vẫn tăng lên. Năm 2016, điểm chuẩn vào các ngành này là 24-27.
Các ngành tốp thấp hơn của Đại học Bách khoa Hà Nội, gồm cả ngành đào tạo quốc tế, cũng dự kiến tăng điểm chuẩn vào trường.
Theo Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi Nguyễn Tuấn Anh, lượng thí sinh đăng ký vào trường đã tăng lên, đặc biệt ở một số ngành "hot" như Công nghệ thông tin, Kế toán, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện tử. Những ngành này điểm chuẩn dự kiến tương đương năm ngoái là 20,16. Một số ngành tốp dưới có thể mức trúng tuyển vào trường bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục là 15,5.
Hiệu phó Đại học Xây dựng Phạm Xuân Anh cũng cho biết, điểm trúng tuyển vào các ngành của trường năm nay sẽ tương đương năm 2016.
Theo quy định, chậm nhất 17h ngày 1/8, các trường phải công bố kết quả xét tuyển đợt một. Dự tính của Bộ Giáo dục, trong đợt xét tuyển đầu tiên có khoảng 85 trường tuyển được chỉ tiêu 100%; 66 trường đạt 80- 99% và 83 trường đạt 40-79%. Các đại học còn tuyển thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét đợt bổ sung.