Điểm chuẩn xét tuyển ĐH,CĐ đợt 1 nhiều trường dự kiến giảm mạnh

Nhiều trường có lượng hồ sơ đăng ký vượt rất xa so với chỉ tiêu, nhưng các trường vẫn cho rằng điểm chuẩn năm 2016 sẽ thấp hơn điểm chuẩn năm 2015 ít nhất 1 - 2 điểm.

Điểm chuẩn nhiều trường sự kiến thấp hơn điểm sàn

Theo tin tức trên báo Sài gòn Giải phóng, 17 giờ ngày hôm qua 12/8, các trường ĐH, CĐ kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có tổng cộng hơn 12.000 hồ sơ đăng ký dự thi để xét tuyển cho 6.550 chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngành ít hồ sơ đăng ký như hệ thống thông tin, tài chính doanh nghiệp, luật quốc tế, khoa học môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường. Dự kiến điểm chuẩn sẽ nhích hơn điểm sàn khoảng 0,5 điểm. Những ngành còn lại điểm chuẩn ở mức 17 - 21 điểm.

Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM chỉ tiêu 2.500 nhưng có khoảng 5.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ nằm ở mức từ 20 điểm trở lên.

Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển gần gấp đôi so với chỉ tiêu cần tuyển. Trường ĐH Bách khoa có hơn 6.000 hồ sơ đăng ký để xét 3.800 chỉ tiêu và dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn hoặc bằng so với năm 2015. Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển 3.100 chỉ tiêu và có gần 6.000 hồ sơ đăng ký, trong đó nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ giảm ít nhất là 1 điểm so với năm 2015.

tin nhap 20160813080155
Thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Sài Gòn năm 2016. (ẢNh: SGGP).

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM chỉ tiêu cần tuyển là 4.500 và có 11.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Dù nhiều ngành có hồ sơ nhiều hơn so với chỉ tiêu nhưng dự kiến điểm chuẩn cũng giảm ít nhất 0,5 điểm so với năm 2015. Trường dự kiến ngày 13/8 sẽ công bố điểm chuẩn.

Trường ĐH Nông lâm TPHCM nhận hơn 8.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 5.200 chỉ tiêu. Ngày 13/8 trường sẽ họp để quyết định điểm chuẩn. Riêng những ngành như bản đồ học, lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, phát triển nông thôn ở phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận nhiều khả năng điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm nhận hồ sơ cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại miền Trung và Tây Nguyên. Phân hiệu Gia Lai các ngành có điểm nhận hồ sơ là 16 điểm; phân hiệu Ninh Thuận: 15 điểm cho tất cả các ngành.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã nhận được hơn 7.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 5.000 chỉ tiêu. Năm 2015 điểm chuẩn của trường là 23,25 nhưng năm nay dự kiến sẽ giảm 1 điểm. Do năm nay trường thay đổi cách xét tuyển nên điểm chuẩn sẽ xác định theo nhóm ngành chứ không lấy chung một mức điểm như năm 2015. Trường cũng dự kiến điểm chuẩn sẽ thấp hơn so với năm 2015. Ngày 14/8 trường sẽ công bố điểm chuẩn.

Tại khu vực Tây Nam bộ, Trường ĐH Cần Thơ dẫn đầu với hơn 12.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển so với 8.200 chỉ tiêu cần tuyển, ngày 13/8, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp và xác định điểm chuẩn cho từng ngành. Dự kiến điểm chuẩn nhiều ngành sẽ giảm mạnh, tuy nhiên vẫn có một số ngành điểm chuẩn sẽ tương đương so với năm 2015.

Trong khi đó, những trường ĐH khác thuộc khu vực này như Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long… có ít hồ sơ đăng ký so với chỉ tiêu cần tuyển.

Các trường như ĐH Y dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… điểm chuẩn ngành y đa khoa có khả năng sẽ giảm ít nhất 1 - 2 điểm so với năm 2015.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh cho biết, Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tại Quảng Ngãi điểm chuẩn sẽ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Do hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển nên trường sẽ tiếp tục xét tuyển đợt 2.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận hơn 6.800 hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng điểm học bạ THPT) so với chỉ tiêu là 6.300. Trường dự kiến ngày 13/8 sẽ công bố điểm chuẩn và sẽ tiếp tục xét tuyển đợt 2 với 2 phương thức: xét học bạ THTP từ ngày 15 đến 24/8; xét tuyển điểm thi THPT quốc gia 2016 từ ngày 21 đến 31/8 với điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Riêng đối với khối ngành năng khiếu và nghệ thuật, thí sinh sẽ kết hợp xét kết quả học bạ THPT và đăng ký tham gia kỳ thi kiểm tra môn năng khiếu (từ ngày 7 đến 8/9) do trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi môn năng khiếu từ trường khác để xét tuyển.

Tại phía Bắc, nhóm 12 trường xét tuyển chung (gọi tắt là nhóm GX) có tới 65.000 hồ sơ đăng ký (nhiều gấp 1,5 lần chỉ tiêu), nhưng nhiều trường cho biết sẽ tiếp tục xét tuyển đợt 2. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận gần 12.000 hồ sơ nhưng dự kiến nhiều ngành sẽ phải xét tuyển đợt 2.

Chưa nộp hồ sơ đã có giấy báo trúng tuyển: Nghi án mua bán dữ liệu thí sinh

Thông tin trên báo Đời sống & Pháp luật, có không ít thí sinh vừa tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã nhận được giấy báo trúng tuyển về nhà cho thí sinh của nhiều trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, bản thân thí sinh đó chưa hề đăng ký, hay có mối quan hệ nào với trường.

“Tụi em chỉ mới biết điểm, thậm chí đang tìm chọn trường để nộp vào (từ ngày 1/8 - 12/8 nhận hồ sơ), vậy mà nhiều trường không biết lấy thông tin ở đâu lại gửi giấy báo trúng tuyển ĐH về cho chúng em. Thậm chí, vào thời điểm em chuẩn bị thi THPT cũng đã có trường đại học gửi giấy báo trúng tuyển về cho em rồi”, thí sinh M.H. chia sẻ.

Cũng theo thông tin M.H. chia sẻ, rất nhiều trường ĐH gửi giấy báo cho H. như trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), trường ĐH Đông Á, trường CĐ Lê Quý Đôn,... với các chuyên ngành y, dược, điều dưỡng. Giấy báo gửi ghi ngày 20/7/2016. Tuy nhiên, theo quy định của bộ GD&ĐT, từ ngày 1/8/2016, các trường mới được nhận hồ sơ xét tuyển đại học và đến ngày 29/8/2016 có kết quả xét tuyển đợt 1. Như vậy, giấy báo trúng tuyển đã có trước thời điểm xét tuyển 10 ngày, so với thời gian xét tuyển theo quy định.

tin nhap 20160813080155
Giấy báo nhập học của trường ĐH Nguyễn Tất Thành bị bạn đọc phản ánh. (Ảnh: Báo ĐS&PL)

Để thu hút người học, nhiều trường không chỉ gửi giấy báo về mà còn gọi điện thoại đến từng gia đình, phụ huynh, thí sinh để tư vấn trường, nghề. Anh Nguyễn Hải Phong (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Tôi cũng có con tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Sau khi thi về, nó ở nhà chờ kết quả để tham gia xét tuyển tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bản thân con tôi và gia đình đều muốn nó theo ngành sư phạm, nên không đăng ký xét tuyển ở đâu hết. Vậy mà, khoảng từ cuối tháng 7/2016, con tôi nhận được rất nhiều giấy báo trúng tuyển của một số trường ĐH, CĐ. Thậm chí, họ còn gọi điện thoại tư vấn rồi giục nhanh chóng nhập học”.

Theo tìm hiểu của báo ĐS&PL, sở dĩ học sinh không nộp hồ sơ xét tuyển mà vẫn có giấy báo trúng tuyển là bởi xảy ra tình trạng mua bán thông tin dữ liệu của các thí sinh. Theo đó, chị N.N.T. (làm việc tại trung tâm Đào tạo của một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM) tiết lộ: “Tôi làm ở văn phòng đào tạo nên tôi biết, sở dĩ có tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển mà không hề gửi hồ sơ xét tuyển là bởi có một số người chuyên “cò mồi” bán dữ liệu thí sinh cho các trường ĐH, CĐ”.

“Vào kỳ tuyển sinh, rất nhiều số điện thoại lạ gọi vào đường dây nóng của các trường rồi nói đang nắm giữ thông tin cá nhân của thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM. Nếu trường nào muốn tiếp thị với thí sinh để tuyển sinh thì có thể mua dữ liệu với giá từ 5 đến 8 triệu đồng/tỉnh, thành. Thực tế, tình trạng này xảy ra từ lâu là bởi các trường ĐH, CĐ tư thục rất ít học sinh theo học. Vì thế, các trường này phải quảng cáo, tiếp thị để thu hút học sinh. Đây là thực trạng rất phổ biến ở nhiều trường ĐH, CĐ tư thục và một số trường trung cấp chuyên nghiệp”, chị T. chia sẻ.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.