Khởi công tháng 8/2012, Metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Sau 12 năm thi công, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM chính thức vận hành cuối năm ngoái. Dự án hoạt động thúc đẩy hạ tầng giao thông đô thị, làm thay đổi diện mạo dọc theo tuyến metro.
Trong ảnh là khu vực sông Sài Gòn, nơi metro đi ngang qua thời điểm hiện tại so với năm 2016, nhìn từ hướng quận Bình Thạnh về TP Thủ Đức. Khi ấy đường sắt đô thị đang thi công các móng trụ và xây dựng nhà ga trên cao Tân Cảng. Tại khu vực này hiện có toà Landmark 81 cao 461 m - cao nhất Việt Nam cùng nhiều dự án cao tầng dọc sông Sài Gòn.
Ngay gần cầu Sài Gòn là ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) cách đây 9 năm so với hiện tại. Xung quanh ga nổi bật các cao ốc, chung cư mang lại sự hiện đại cho khu vực này.
Tuyến metro có 11 ga trên cao: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới. Trong đó Tân Cảng là ga lớn nhất vì sẽ kết nối với Metro số 5 trong tương lai. Nhà ga cũng có kiến trúc mái vòm riêng biệt tạo điểm nhấn cho toàn tuyến metro.
Cách ga Tân Cảng khoảng 2 km, cảnh quan khu vực gần ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) khác biệt so với năm 2016.
Khu vực gần ga ngầm Ba Son (đoạn kênh Thị Nghè chảy vào sông Sài Gòn) hiện khác biệt so với năm 2016. Gần đó là cầu Ba Son khánh thành 2022, kết nối trung quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), là cầu biểu tượng mới của thành phố. Xung quanh, nhiều toà tháp, chung cư cao tầng cũng xây ngay cạnh tuyến metro.
Toàn tuyến metro số 1 có ba ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Trong đó Ba Son là ga ngầm cuối cùng trước khi đoàn tàu di chuyển lên các ga trên cao.
Tuyến metro đi qua rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) hiện tại so với 9 năm trước. Diện mạo đô thị ở khu vực này không thay đổi nhiều.
Khu vực nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức) sầm uất hơn nhiều so với hồi năm 2015. Đoạn metro trên cao uốn lượn khi đi qua khu vực này, song song đại lộ Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ).
So với 10 năm trước, có thêm nhiều dự án chung cư cao tầng được xây dựng dọc theo đại lộ Võ Nguyên Giáp và Mai Chí Thọ. Ngoài ra, đường Võ Nguyên Giáp cũng hoàn thiện mở rộng, tăng sự kết nối nút giao huyết mạch cửa ngõ phía Đông thành phố.
Cách đó khoảng 6 km, nút giao ngã tư Thủ Đức so với năm 2015 khang trang hơn khi metro vận hành.
Điểm cuối metro Bến Thành - Suối Tiên ở gần Bến xe Miền đông mới. So với năm 2016, khu vực này có thêm nhiều chung cư được xây dựng, góc trái là Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Ngoài ra, hầm hở và cầu vượt trên xa lộ Hà Nội cũng được xây dựng ở khu vực này. Cùng với tuyến metro, công trình góp phần giảm ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân ở khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.
Xa lộ Hà Nội hiện tại nhìn từ cầu vượt trạm 2 khang trang, nhiều mảng xanh hơn so với 10 năm trước.
Khởi công 2010, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội giúp tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông có từ 12 đến 16 làn xe. Dự án còn làm các đường song hành quy mô 6 làn xe. Công trình hoàn thành đồng bộ với tuyến metro, giúp giảm tải áp lực giao thông.
Các chung cư xây dựng đón đầu metro dọc theo xa lộ Hà Nội cách đây 10 năm đã hoàn thành. Hiện tại, các dự án cao ốc, chung cư vẫn tiếp tục được triển khai dọc theo tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Tại khu vực trung tâm thành phố, các ga ngầm sau thời gian dài chiếm dụng đã tái lập lại mặt bằng. Diện mạo giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi không còn là công trường thi công ga ngầm Nhà hát thành phố ngổn ngang như năm 2015.
Tại giao lộ này là phố đi bộ Nguyễn Huệ, bùng binh cây liễu được xây dựng lại, khuôn viên trước nhà hát được tái lập. Nơi đây là điểm du lịch thu hút đông du khách, thường xuyên có nhiều sự kiện, lễ hội.
Khu vực bùng binh Quách Thị Trang năm 2019 được rào chắn gần như toàn bộ để thi công ga ngầm Bến Thành. Sau khi tái lập mặt bằng năm 2023, diện mạo nơi này dần thay đổi.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, sắp tới trước chợ Bến Thành được tính toán hình thành quảng trường lớn và bố trí nhiều mảng xanh, nơi đặt tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Giao thông từ đường Trần Hưng Đạo qua Lê Lợi giữ một phần hướng tuyến như cũ để kết nối vào trung tâm. Sau đó, khu vực sẽ hoàn thiện theo quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ và các dự án khác xung quanh như công viên 23/9, đường Lê Lợi.
Hướng tuyến Metro số 1. Đồ họa: Khánh Hoàng