Chân dung Diệp Vấn, Nhất đại tông sư huyền thoại của phái Vịnh Xuân. Ảnh: Biography |
Chào đời ngày đầu tháng 10/1893, Diệp Vấn là quý tử thứ ba của một gia đình quyền quý gồm bốn người con tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Gia đình giàu có cho phép ông được hưởng nền giáo dục bài bản và chất lượng dành cho các cậu ấm cô chiêu.
Năm 13 tuổi, cậu thiếu niên Diệp Vấn theo học Vịnh Xuân Quyền, môn phái võ thuật đang phát triển ở miền nam Trung Quốc thời bấy giờ, dưới sự dạy dỗ của võ sư Trần Hoa Thuận. Do sư phụ lớn tuổi, phần lớn các đòn đánh và kỹ năng Diệp Vấn học từ môn đệ thứ lớn thứ hai của võ sư Trần là Ngô Trọng Tố. Ba năm sau ngày nhận đồ đệ Diệp Vấn, võ sư Trần qua đời với di nguyện cuối cùng là Ngô Trọng tiếp tục truyền bí kíp võ công cho Diệp Vấn, cậu bé tài năng cùng niềm đam mê võ thuật.
Ba năm sau, Diệp Vấn rời đại lục tới Hong Kong rồi theo học Cao đẳng St. Stephen cho con nhà giàu năm 16 tuổi. Theo lời kể của Diệp Chính và Diệp Chuẩn, hai con trai Diệp Vấn, trong thời gian này huyền thoại của Vịnh Xuân Quyền đã sử dụng những chiêu thức học được giúp đỡ một phụ nữ bị cảnh sát nước ngoài đánh.
Sự việc được cậu bạn cùng lớp với Diệp kể lại cho một người đàn ông lớn tuổi tên Lương Bích sống cùng một khu nhà. Sau khi diện kiến, so tài và bị Lương đánh bại, Diệp Vấn mới biết Leung là con trai người dạy võ cho sư phụ Trần, theo vai vế là sư bác của ông. Diệp Vấn tiếp tục được Lương truyền dạy võ thuật suốt thời gian sống tại Hong Kong.
Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Anh hùng võ thuật, Diệp Vấn từng nhắc tới cuộc gặp gỡ định mệnh này, song không đề cập tới cuộc ẩu đả với cảnh sát nói trên. Thay vào đó, ông kể rằng nhân duyên đưa ông tới Leung là do thói quen gây sự trên trường khiến nhiều bạn bè đem chuyện kể với sư bác.
Lên 24 tuổi, Diệp Vấn lúc này đã tinh thông võ thuật, quay về Phật Sơn và trở thành cảnh sát. Không mở trường công khai, song Diệp Vấn bắt đầu dạy Vịnh Xuân Quyền cho nhiều cấp dưới, họ hàng và bạn bè. Hai trong số những học trò đầu tiên của Diệp Vấn sau đó mở trường dạy võ riêng. Đây là cái nôi truyền bá Vịnh Xuân Quyền tại tỉnh Quảng Đông, theo Kwokwingchun.
Diệp Vấn cùng đệ tử Lý Tiểu Long, huyền thoại võ thuật của điện ảnh thế giới. Ảnh: Kwok Wing Chung |
Suốt thời gian từ 1914 đến 1937, Diệp Vấn thường tham gia nhiều trận giao đấu với các võ sư khác, không ngừng rèn luyện võ thuật. Danh tiếng của ông từ đây bắt đầu trở nên quen thuộc và được kính nể trong giới võ lâm.
Năm 1937, trong thời gian phát xít Nhật chiếm đóng miền nam Trung Quốc, Diệp Vấn rời quê nhà Phật Sơn, gia cảnh ông dần đi xuống. Tới năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, tài sản bị trưng thu khiến Diệp Vấn phải sang Hong Kong.
Tại đây, Diệp Vấn mở trường võ Vịnh Xuân Quyền. Sau nhiều khó khăn buổi đầu vì số lượng học sinh ít ỏi và không thường xuyên, Diệp Vấn dần tạo dựng được danh tiếng một thầy dạy võ nức tiếng khi các đồ đệ đánh bại võ sư từ các môn phái khác.
Năm 1967, Nhất đại tông sư Diệp Vấn cùng nhiều đệ tử thành lập Liên đoàn Thể dục Vịnh Xuân Quyền tại Hong Kong, góp phần truyền bá môn phái này ra thế giới.
Một trong những học trò xuất sắc nhất của Diệp Vấn là huyền thoại võ thuật màn bạc Lý Tiểu Long. Bái Diệp Vấn làm sư phụ năm 1953, ở tuổi 13, Lý Tiểu Long đã tinh thông Vịnh Xuân Quyền.
Sư phụ Lý Tiểu Long qua đời vì biến chứng ung thư vào ngày 2/12/1972 tại Hong Kong, hưởng thọ 79 tuổi. Sau cái chết của ông, nhiều công trình nghệ thuật vinh danh cuộc đời ông ra đời bao gồm cuốn sách "Diệp Vấn: Chân dung một bậc thầy Kung Fu năm 2001" của con trai Diệp Chính và tác giả Rong Heimberger, cùng ba bộ phim The Legend is Born: Ip Man (2010) The Grandmaster và Ip Man: The Final Fight (2013).
Flores hạ gục hai võ sư Việt Nam: ‘Đang tạo trào lưu xấu, tính dân tộc muốn ăn thua’ | |
Võ sư Đoàn Bảo Châu phân tích thất bại trong trận giao hữu võ thuật |