Anh Hoàng Trung Kiên - Phó Đội trưởng Đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu (VIAGS) - 1 trong 15 thành viên phi hành đoàn đã chia sẻ như vậy sau chuyến bay của Vietnam Airlines “giải cứu” người Việt từ Vũ Hán - Trung Quốc.
“Đỡ đẻ” trên máy bay
Theo thành viên tổ bay VN68, sau khi có quyết định về nhân sự, đoàn Vietnam Airlines có 2 cuộc họp để chuẩn bị cho chuyến đi: Một cuộc họp với Bộ Y tế và một cuộc họp riêng của đoàn. Họ có 3 ngày để chuẩn bị, tất cả các tình huống đều được đoàn đưa ra thảo luận và lên kế hoạch một cách chi tiết.
Câu chuyện trở về của đoàn khách từ tâm dịch Vũ Hán vốn đã đặc biệt, nhưng điều ấn tượng nhất đối với anh Kiên trong chuyến bay này chính là sự lo lắng vì có một sản phụ đang mang thai 36 tuần - điều chưa từng có tiền lệ với vận chuyển hàng không.
“Việc đi lại bằng đường hàng không thường chỉ chấp nhận với thai phụ mang bầu dưới 32 tuần tuổi, trong khi thai phụ trên chuyến bay VN68 mang bầu đã 36 tuần. Sự thay đổi áp suất trên máy bay sẽ gây nguy hiểm cho thai phụ hoặc khiến thai phụ sinh non. Vì vậy, các bác sĩ và tổ bay đã phải thảo luận rất kỹ trường hợp này” - anh Kiên cho biết.
Phi hành đoàn và các bác sĩ đã chuẩn bị phương án phòng khi sản phụ sinh non trên máy bay. Các phương án được tính toán kỹ lưỡng từ việc sinh ở khu vực nào, chuẩn bị đồ đạc ra sao, thậm chí chuyến bay nếu bắt buộc phải chuyển hướng thì như thế nào...
“Ban đầu các bác sĩ đề nghị Vietnam Airlines lắp cáng trên máy bay, tuy nhiên sau khi trong đoàn thảo luận thì phương án lắp cáng không khả thi do bác sĩ sẽ không có chỗ đứng để tác nghiệp. Phương án cuối được thống nhất là dùng vị trí bếp phía cuối máy bay để trưng dụng làm bàn đẻ cho sản phụ” - anh Kiên tiết lộ.
Với phương án nói trên, anh Kiên thông tin đoàn đã mang theo hơn 10 chiếc chăn để làm “ga, đệm” phục vụ việc sinh nở trên máy bay của sản phụ. Suốt hành trình bay từ Vũ Hán về nước, sản phụ rất may mắn được bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng nên thai nhi ổn định, sức khỏe tốt, đảm bảo an toàn.
“Vỡ òa” cảm xúc vui-buồn!
Những người Việt đi chuyến máy bay hồi hương chia sẻ, hành trình từ điểm đầu Vũ Hán khi đó rất gian nan. Bình thường tới sân bay họ chỉ mất 45 phút, nhưng chuyến bay trở về lần này dài hơn rất nhiều.
Họ được xe của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đón và rời khỏi nhà lúc 19h tối 9/2, trên đường tới sân bay phải trải qua hơn 3 tiếng chờ trực làm thủ tục tại các chốt kiểm soát và tới sân bay sau 5 tiếng di chuyển.
Cả sân bay chỉ có duy nhất đoàn khách 30 người Việt làm thủ tục và ngồi chờ tới 2h30 sáng 10/2 (giờ địa phương) để được lên máy bay. Những người Việt từ Vũ Hán quá cảm xúc trên hành trình trở về nhà và nhiều lần bật khóc.
Là người phục vụ trực tiếp trên chuyến bay, anh Kiên chia sẻ: Từ khi máy bay chưa cất cánh rời Nội Bài, phi hành đoàn đã nhận được thông tin hành khách làm xong thủ tục check-in ở sân bay Vũ Hán và biết rằng họ phải đi từ rất sớm.
“Đến Vũ Hán, chúng tôi thấy vẻ mệt mỏi của hành khách, đặc biệt là trẻ nhỏ, sự lo lắng hiện rõ trên từng gương mặt của mọi người. Tuy nhiên khi bước lên máy bay, niềm vui lại thể hiện trên từng ánh mắt của họ. Trên hành trình bay, do mệt mỏi nên các cháu nhỏ hầu như khóc suốt” - anh Kiên kể lại và nói: “Máy bay hạ cánh ở Vân Đồn, niềm vui vỡ òa với tất cả mọi người. Cả đoàn xuống khỏi tàu mới hơn 5h sáng, ai cũng gọi điện về gia đình thông báo đã hạ cánh an toàn!”.
Nói về khả năng bị lây nhiễm dịch corona sau khi trở về từ Vũ Hán, Phó Đội trưởng VIAGS bình thản cho biết: “Nếu không may dính virus corona thì vào viện thôi ạ. Trước khi đi anh em cũng đã xác định dù được trang bị tận chân răng thì cũng có tỉ lệ nhất định bị nhiễm”.