'DN dù đứng trước nguy cơ phá sản vẫn cần được tiếp cận vốn, không nên cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư cho DN'

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital cho rằng dù Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nào, cũng không nên làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một doanh nghiệp nào và cũng không ngăn cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư cung cấp cho doanh nghiệp.

Tại tọa đàm: "Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức mới đây, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital nêu quan điểm cá nhân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153.

Doanh nghiệp thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vẫn cần được tạo cơ hội tiếp cận vốn 

Trước ý kiến cho rằng cần khu trú các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề, tránh tác động chéo đến nhà đầu tư và hệ thống ngân hàng, thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn cho cả thị trường hay cả ngành như bất động sản, ông Khổng Phan Đức Việc việc khu trú không đơn giản.

Theo ông, việc sửa một thông tư, nghị định, một điều khoản luật sẽ có tính chất tác động chung trên toàn thị trường, tác động đễn các giao diện của thị trường, tất cả các doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đều bị tác động.

Về ý kiến cần khoanh vùng lại, chỗ nào có vấn đề thì cắt bỏ hoặc tạo điều kiện cho  hồi phục lại, còn các phần khác vẫn được phát triển bình thường, theo ông Đức đánh giá đó là một mong ước, nếu triển khai cực kỳ khó.

Nói thêm về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153, ông Đức vẫn kiên định quan điểm trong thiết kế sửa đổi nghị định về trái phiếu doanh nghiệp, cần tôn trọng tính khế ước dân sự mở rộng của lĩnh vực nợ dân sự, giữa người đi vay và rất nhiều người đi vay, thay vì là một khế ước nợ song phương giữa hai chủ thể.

Ông Đức nhắc lại rất thích quan điểm của đại diện Ngân hàng Thế giới trong hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng chủ trì hôm 22/4 mới đây, rằng làm luật theo cách nào đi nữa thì cũng không nên và không thể hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. 

"Chủ thể doanh nghiệp rất quan trọng với một đất nước, vì thế chúng ta phải tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Từ đó họ đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả đất nước. Với doanh nghiệp dù là yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản họ vẫn cần được tiếp cận vốn", ông nhấn mạnh.

"Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là một kênh rất quan trọng đối với họ. Những sai phạm vượt quá xa so với chuẩn mực thì chúng ta cần phải "phanh" lại và tạo ra sự "đánh động" đối với nhà đầu tư, đơn vị phát hành, cơ quan quản lý và các tổ chức trung gian thứ 3, nhưng chúng ta cần tạo điều kiện cho họ khắc phục sai lầm, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tự điều tiết thông qua việc nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường", đại diện VietinBank Capital chia sẻ thêm.

 Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Chu Xuân Khoa/ VnEconomy).

Ông cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế lần thứ 5 hạn chế tương đối nhiều, từ điều kiện chủ thể phát hành cho đến mục đích phát hành.

Ông dẫn chứng dự thảo lần thứ 5 quy định doanh nghiệp phát hành không được phát hành trái phiếu để đầu tư cổ phần, cổ phiếu. "Tuy nhiên không ai trả lời câu hỏi vậy trường hợp các dự án, doanh nghiệp ở thời điểm họ quyết định chiến lược phải tìm kiếm người nào đó để mua lại doanh nghiêp đó, đưa doanh nghiệp sang giai đoạn phát triển mới thì DN đó mới vượt qua được khó khăn bây giờ.

Vậy với thị trường mua bán sáp nhập doanh nghệp, ai sẽ là người đi mua? Chẳng lẽ lại phải chờ một nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực tài chính lên đến 1.000, 2.000, 3.000 tỷ đồng mới tiến hành thâu tóm, hoặc buộc phải dành cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Đức đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VietinBank Capital cho rằng, rất nhiều người hay so sánh giữa sản phẩm tín dụng và sản phẩm trái phiếu, bên tín dụng thắt chặt thì trái phiếu sẽ thắt theo.Tín dụng không cho phép vốn trung và dài hạn cho việc đầu tư cổ phiếu hoặc mua lại phần vốn góp, thì bên trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng lại rập khuôn lại như thế.

Tuy nhiên, ông giải thích hai sản phẩm này khác nhau, của hai thị trường khác nhau và do các chủ thể khác nhau.

"Ngân hàng thương mại là loại định chế tài chính trung gian, phân phối vốn của thị trường thông qua hình thức thương mại. Tức là họ mua vốn và bán vốn, vì thế họ bị hấp thụ rủi ro hai đầu. Họ phải đảm bảo rằng họ có vốn để trả lãi cho người họ đi vay và vừa phải thu hồi vốn được của người vay họ để giảm thiểu tỷ lệ rủi ro mất vốn của họ

Với việc hấp thụ rủi ro hai đầu như thế, khi mà rủi ro càng cao thì nhu cầu siết chặt điều kiện cho vay của họ rất cao và đấy là lý do họ không đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro", ông giải thích.

"Nhưng ngân hàng đầu tư lại hoàn toàn khác. Rủi ro được chuyển giao. Ngân hàng đầu tư chỉ tư vấn ra sản phẩm tài chính là cổ phiếu hoặc trái phiếu, nhà đầu tư sẽ đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu hoặc trái phiếu đó. Trường hợp này, rủi ro của nhà đầu tư đến từ rủi ro của đơn vị phát hành. Họ chỉ chịu một lần rủi ro. Vì thế chúng ta phải chấp nhận những sản phẩm đầu tư bởi công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý tư vấn phải có hệ số rủi ro cao hơn, với một mức lãi suất cao hơn so với thị trường".

Cần làm gì để tránh hiệu ứng domino xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ?

Để tránh hiệu ứng domino xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới, ông Đức nhắc lại quan điểm dù Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nào, không làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một doanh nghiệp nào và cũng không ngăn cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư cung cấp cho doanh nghiệp. 

"Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng, phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng rất tốt, nhu cầu vốn cực kỳ lớn. Để đáp ứng được tỷ lệ tăng trưởng GDP 7%, cần phải tốc độ tăng trưởng vốn hàng năm tương ứng, dù là tín dụng ngân hàng, trái phiếu hay cổ phiếu khoảng 14-15%. Nếu đẩy hết gánh nặng đó sang cho Ngân hàng Nhà nước, điều này đáng lo ngại", ông Khổng Phan Đức nói. 

Năm 2019, tại một hội thảo của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý rằng thị trường chứng khoán cần phải bước những bước nhanh hơn , tốc độ tăng trưởng tốt hơn, để chia sẻ gánh nặng đối với Ngân hàng Nhà nước.

"Để giải bài toán cân đối lớn của Thủ tướng, mong muốn của tất cả những người làm thiết kế vĩ mô là quy mô tín dụng chỉ tương đương với huy động ngắn hạn, đừng để ngắn hạn tài trợ cho dài hạn như bây giờ", ông Đức nhấn mạnh.

Điều đó có nghĩa dư nợ tín dụng khoảng 80-90% GDP chứ không phải lên đến 140% GDP như bây giờ. Và điều đó có nghĩa là phần còn lại phải do thị trường thị trường tài chính đảm trách, trong đó, có vai trò quan trọng của trái phiếu.

"Gánh nặng đấy chuyển sang thị trường trái phiếu. Nếu cắt thị trường trái phiến, mong muốn chia sẻ gánh nặng sang cho thị trường tài chính như lời Thủ tướng phát biểu năm 2019 là rất khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến bài toán cân đối rất lớn của của toàn quốc, không phải chỉ riêng cho bất kỳ một doanh nghiệp hay một thị trường nào", ông Đức lưu ý.

"Nên coi trái phiếu doanh nghiệp là chứng khoán hóa các khế ước dân sự đang xảy ra đầy rẫy ở ngoài thị trường, trong nền kinh tế. Việc chứng khoán hóa này giúp cơ quan quản lý nhà nước có địa chỉ để nắm rồi, bây giờ, việc cần làm là siết chặt lại ở một số con ốc.

Thứ nhất, điều luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian. Thứ hai, khuyến khích sử dụng định mức tín nhiệm. Thứ ba, nâng cao vai trò của đại diện trái chủ, nâng cao trách nhiệm của các bên trung gian khác như công ty chứng khoán tham gia trong quá trình tư vấn phát hành hoặc khai thông những quy định cho các định chế tài chính là ngân hàng, quản lý tài sản đảm bảo... là những siết chặt khác. Tiếp đó, nâng cao chất lượng công bố thông tin. Những siết chặt này cũng đủ để cho thị trường chạy rất êm ái", ông Khổng Phan Đức đề xuất.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.