Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, cơn ATNĐ (ATNĐ) gần bờ (có tên quốc tế Kajiki) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam lúc 4h ngày 3/9 với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/h). Sau khoảng 6 tiếng, cơn ATNĐ quay trở ra biển và di chuyển theo hướng đông bắc.
Đường đi và vị trí áp thấp. (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ngoài ra, còn có một ATNĐ khác hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100 km về phía Bắc với sức gió mạnh nhất 50 km/h (cấp 6). Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ này di chuyển theo hướng bắc tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và giữ nguyên sức gió.
Các cơ quan khí tượng dự báo có khả năng cơ áp thấp này sẽ nhập vào áp thấp đã đổ bộ vào đất liền khi cơn áp thấp này quay trở ra biển.
Ảnh hưởng của ATNĐ đổ bộ, ngày 3/9 nhiều khu vực ở miền Trung mưa lớn với lượng phổ biến 40-90 mm trong 24 giờ, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa có thể lên đến 100-250 mm trong 24 giờ, có nơi trên 300 mm.
Trong ba ngày tới, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa với lượng phổ biến 300-500 mm, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt; khu vực Tây Nguyên 200-300 mm/đợt.
Khu vực phía Bắc có thể xảy ra các đợt mưa bất thường.
Trước đó, sáng 3/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với ATNĐ Kajiki vừa đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và cơn ATNĐ đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá, sự xuất hiện của 2 ATNĐ cùng lúc, kèm theo các tác động cơn bão Lingling ở ngoài khơi vùng biển Philippines, khiến tình hình thời tiết khu vực biển và đất liền ở Trung Bộ trở nên tiêu cực, khó lường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: PCLB).
Về cơn ATNĐ Kajiki vừa đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, Bộ trưởng cho rằng diễn biến của hình thái này có sự dị thường khi di chuyển vào đất liền nhưng không tan ngay mà tiếp tục mạnh lên và phát triển ra phía ngoài.
Cơn Kajiki có thể chịu thêm ảnh hưởng của ATNĐ đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông khiến hướng di chuyển và cường độ thay đổi. Hoàn lưu của cơn ATNĐ này không chỉ chạy theo một trục là hướng tây mà chạy quanh quẩn theo vòng tròn, đây cũng là hiện tượng cần đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, cơn bão Lingling phía bên ngoài vùng biển ngoài khơi Philippines cũng đang có hướng phát triển lên phía bắc. Khi cả 3 hình thái tương tác với nhau có thể gây ra các dạng hình mới thay đổi cả về cường độ, tác động và hướng di chuyển.
Theo dự báo, vùng nguy hiểm trên biển của nước ta bắt đầu từ vĩ độ 13, đây là khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động. Tác động của các trạng thái gió cũng trở nên khó lường, các cơn có thể liên tục phát triển về kích thước và không đồng nhất về hướng đi.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương và các Bộ ngành nghiêm túc triển khai công điện số 15/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần theo dõi sát tình hình diễn biến ATNĐ và mưa lũ để có thông tin, bản tin cảnh báo kịp thời. Các cơ quan quản lí theo dõi, thông báo, kiểm đếm đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè bao gồm tàu khách, tàu vận tải...
Từ ngày 3-6/9, mưa cục bộ lớn xảy ra tại khu vực Nam Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, khu vực có sông ngắn và dốc có thể khiến lũ lên nhanh, cần chú sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét, tai biến địa chất.
Kiểm tra, rà soát công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Tại Thừa Thiên Huế cần chú ý 3 hồ chứa lớn đặc biệt hồ Tả Trạch.
Tại các địa phương cần huy động các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. Cơ quan phòng chống thiên tai các cấp tổ chức trực ban theo dõi tình hình, thông tin để kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó.